Mồ côi cha từ bé, Nguyễn Trần Thúy Vi (Trường THPT Thực hành Sư phạm, TP Long Xuyên) phải cùng mẹ rời quê nhà ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành để về Long Xuyên thuê phòng trọ rộng 6 m2 trên đường Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên sinh sống.
Chọn trường gần nhà vì mẹ
Bản thân Vi bị dị tật bẩm sinh và thiếu bàn tay trái. Bao nhiêu khó nhọc đổ dồn lên đôi vai của người mẹ quanh năm bán quần áo ven đường. Thương mẹ, Vi học rất giỏi và thường xuyên đỡ đần mẹ bán hàng. Vốn đam mê ngoại ngữ ngay từ hồi học tiểu học nên khi học hết cấp 2, Vi quyết định thi chuyên Anh Trường THPT Sư phạm Thực hành. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em là thí sinh đứng đầu ở tổ hợp thi các môn khoa học xã hội. Tổng điểm các môn toán, văn, sử, địa, Anh văn và giáo dục công dân Vi đạt 48,3 điểm.
Thúy Vi và góc học tập trong căn phòng trọ chỉ 6 m2
Chị Nguyễn Thị Thúy Thoa (42 tuổi, mẹ của Thúy Vi) không cầm được nước mắt khi hay tin con gái trở thành tân thủ khoa của tỉnh. Bao nỗi nhọc nhằn một mình nuôi con khôn lớn gần như tan biến. Thầy cô giáo và bà con trong xóm trọ đã đến chia sẻ, chúc mừng về thành tích học tập của Vi.
Thấy gia cảnh 2 mẹ con khó khăn và đơn chiếc, mọi người đều khuyên chị Thoa không nên để Thúy Vi đi học xa nhà để đỡ phần tốn kém. Tuy nhiên, chị Thoa dành toàn quyền quyết định cho con gái. Cuối cùng, Vi quyết định đăng ký vào Trường ĐH An Giang để khỏi phải xa nhà và có điều kiện phụ giúp mẹ bớt gánh nặng mưu sinh.
"Em rất biết ơn mẹ, thầy cô và các bạn đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em học tập. Thật lòng thì em không muốn để mẹ sống thui thủi một mình, nhất là khi ốm đau không người chăm sóc" - Thúy Vi nghẹn ngào nói.
Bán lá cây nuôi con thành thủ khoa
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hà Cửu Long (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là thí sinh đạt điểm cao nhất của tỉnh với 49,5 điểm.
Em là đứa con muộn và duy nhất trong gia đình giáo chức nghèo ở địa phương. Cha mẹ của em đã nghỉ hưu nhiều năm nay và đang kiếm sống bằng nghề mua bán lá cây cho các cửa hàng trang trí lẵng hoa. Bản thân em cũng đã phải sống cảnh xa nhà ngay từ khi còn học tiểu học. Cha mẹ em vì muốn cho con mình giỏi hơn nên đã gửi em lên TP HCM học tập. Vào thời điểm đó, đang học chuyên toán tại một trường THPT ở TP nhưng do sức khỏe không bảo đảm, em phải quay về An Giang.
Nhận xét về cậu học trò này, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2 Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên), cho biết Cửu Long rất thông minh, chịu khó học tập, chịu khó đọc sách, thường xuyên tìm hiểu kiến thức nâng cao trên mạng. Em biết cách ghi bài nhanh, có kế hoạch và phương pháp học tập hợp lý. Đây cũng là nguyên nhân giúp em thành công.
Cô giáo chủ nhiệm và em Hà Cửu Long tại Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu
Khi Cửu Long chuyển về trường, cô Hằng phát hiện Cửu Long có biểu hiện bị cận thị nên xếp cho ngồi bàn đầu để tiện việc quan sát, học tập. Có lần, cô Thanh Hằng hết sức ngạc nhiên khi Cửu Long điện thoại vào ban đêm để xin được làm lớp phó trật tự vì sợ tình hình học tập của lớp đi xuống và bị nhà trường phạt. Tuy nhiên, nếu để em giữ chức vụ này thì buộc phải ngồi ở dãy bàn cuối để tiện việc quan sát lớp trong khi em bị cận thị nặng.
Ngoài tinh thần hiếu học, tự học tốt, Long còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè. Cô Hằng kể rằng trước đây, trong lớp của Long có 1 bạn học rất yếu, chỉ đạt 0,5 điểm môn toán ở học kỳ 1 do ảnh hưởng hoàn cảnh gia đình. Thấy vậy, Long xin được ngồi gần bạn này để giúp đỡ bạn học tập tiến bộ hơn. Chính nhờ được Long tận tình giúp đỡ mà người bạn ấy đã đạt loại khá ở môn toán vào cuối năm học.
Trong thời gian ôn thi, Long hầu như không đi học thêm mà dành thời gian giúp đỡ bố mẹ. Em không những học môn toán giỏi mà từng đoạt giải ba quốc gia môn tiếng Anh. "Năm nay, đề thi khó đều ở các môn nhưng em vẫn đạt được điểm cao như thế là niềm tự hào và hãnh diện của những người làm công tác giáo dục như chúng tôi" - cô Thanh Hằng xúc động nói.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong học tập, Cửu Long cho biết em xác định được mục tiêu để đeo đuổi và cố gắng hoàn thành tốt những gì được học trên lớp rồi sau đó lên mạng xem các dạng bài đã được thi trong các năm trước. Ngoài ra, em nghiên cứu về cách học của các anh chị đi trước hoặc tra cứu trên Google bằng tiếng Anh xem cách học nào là hợp lý nhất. Trong quá trình thi thử thì em chỉ làm một số câu theo kiểu "làm tới đâu cho chắc tới đó".
"Trường em cũng có một số bạn học rất giỏi nhưng có lẽ em may mắn hơn. Khi nào gặp những câu hỏi khó thì em ngồi hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh. Cha mẹ em muốn con theo nghề dạy học hoặc làm bác sĩ với hy vọng có việc làm ổn định và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, em hy vọng được tuyển chọn vào Trường ĐH Y Dược tại TP HCM hoặc tại TP Cần Thơ" - Cửu Long chia sẻ.
Đứng đầu khu vực ĐBSCL
Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tỉnh này có tỉ lệ tốt nghiệp chung (2 hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) đạt 98,33%, trong khi tỉ lệ chung của cả nước là 97,57%. Với tỉ lệ này, An Giang đứng hàng thứ 5 so với cả nước và đứng đầu ở khu vực ĐBSCL.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7
Bình luận (0)