Ngày 8-3, Sở GTVT TP HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên. Lễ ký kết có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Việc hợp tác nhằm nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM theo Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 54/2017, trong đó có đề xuất thực hiện các dự án giao thông trọng điểm theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Thời gian hợp tác 3 năm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc, vành đai, tuyến kết nối vùng…trong đó có TP HCM.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM và đại diện trường Kinh tế - Luật ký kết biên bản
Theo ông Lâm, từ thực tiễn đòi hỏi, TP HCM đã có nhiều sáng tạo, thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa như BOT, BT khá thành công. Một số dự án BOT, BT đã triển khai tại TP HCM phát huy hiệu quả như dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1) đã kết thúc và hoàn phí, các dự án BOT An Sương - An Lạc, mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ đang thu phí…
Tuy nhiên, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời không áp dụng loại hình BOT trên những tuyến đường hiện hữu cũng như bỏ hình thức đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Do đó, TP HCM đã mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù được áp dụng hình thức BOT với một số dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng.
Ông Trần Quang Lâm phát biểu tại lễ ký kết
Theo Sở GTVT, việc áp dụng hình thức BOT tại các công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu góp phần tăng khả năng huy động các nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Bình luận (0)