Ông Trần Chí Trung, Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết đề xuất được áp dụng trở lại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với 6 dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu mà Sở GTVT TP HCM đưa ra nằm trong bối cảnh hạ tầng giao thông thành phố đang quá tải, đường sá thường xuyên ùn tắc, nguy cơ tai nạn cao.
Nếu được áp dụng hình thức BOT sẽ bớt đi nhiều điểm nghẽn về giao thông ở TP HCM. Trong ảnh: Quốc lộ 13 đoạn đi ngang TP Thủ Đức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xin cơ chế để đột phá
Ông Trần Chí Trung nhìn nhận tình trạng này là điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Ngoài ra, các chỉ tiêu phát triển giao thông, quỹ đất dành cho giao thông hiện nay đều chưa đạt so với tiêu chuẩn cũng là một lý do dẫn tới đề xuất trên.
Dù nhu cầu cấp thiết nhưng theo đại diện Sở GTVT, nguồn vốn ngân sách thành phố hạn hẹp, trong kế hoạch công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông thành phố được bố trí 52.744 tỉ đồng, chỉ đáp ứng 20% nhu cầu vốn khiến việc triển khai các dự án trên gặp nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời không áp dụng loại hình BOT trên những tuyến đường hiện hữu cũng như bỏ hình thức đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trong khi đó, trước khi Luật PPP ra đời, TP HCM đã triển khai nhiều dự án hạ tầng theo hình thức BOT hoặc BT và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như mang lại hiệu quả tốt. Trong số này có dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1) đã kết thúc và hoàn phí, các dự án BOT An Sương - An Lạc, mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ đang thu phí…
"Việc áp dụng hình thức BOT tại các công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu góp phần tăng khả năng huy động các nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách. Vì thời gian áp dụng Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội có hạn nên Sở GTVT đã mạnh dạn đề xuất. Nếu có cơ chế đặc thù sẽ tạo ra sự đột phá, tháo nhiều điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cho TP HCM, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Trần Chí Trung nhận định.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP HCM, song song với đề xuất cơ chế đặc thù, nhiều cơ chế tài chính liên quan cũng được đề xuất. Ví dụ ngân sách thành phố trả chậm cho nhà đầu tư bằng nguồn lực nào, việc khai thác các quỹ đất dọc các dự án mới như tuyến metro số 1, metro số 2, Vành đai 3, Vành đai 4… hoặc phát hành trái phiếu, vốn huy động của HFIC.
Dự án ao Song Tân tổng vốn đầu tư dự kiến 21.243 tỉ đồng là một phần trong kế hoạch chỉnh tranh đô thị. Ảnh: QUỐC ANH
Song song các đầu việc lớn
Bên cạnh mối bận tâm và nỗ lực tháo gỡ các dự án giao thông, TP HCM rất chú trọng vấn đề chỉnh trang đô thị. Quyết định 3837 năm 2021 của UBND TP HCM về chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đã xác định 2 dự án là ao Song Tân, rạch Bần Đôn (quận 7) được thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
UBND quận 7 đã trình 3 đề án về chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven và trên kênh rạch, tạo diện mạo mới cho khu vực và quận 7. Cụ thể, dự án ao Song Tân, quy mô di dời 770 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 21.243 tỉ đồng; dự án rạch Bần Đôn, quy mô di dời 659 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 13.100 tỉ đồng; dự án sông Ông Lớn, quy mô di dời 853 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 14.971 tỉ đồng.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, qua nhiều lần sở này chủ trì cuộc họp, các đơn vị liên quan nhận thấy việc UBND quận 7 đề xuất bổ sung tuyến sông Ông Lớn để thực hiện xã hội hóa đầu tư là phù hợp với chủ trương của UBND TP HCM trong tình hình hạn hẹp của nguồn vốn đầu tư công. Các đơn vị đều thống nhất và chấp thuận chủ trương thực hiện xã hội hóa, mời gọi đầu tư đối với việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn.
Từ nhiều phân tích, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho UBND quận 7 triển khai 3 đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch theo phương thức xã hội hóa. Giao UBND quận 7 khẩn trương lập khái toán kinh phí các công tác chuẩn bị, nghiên cứu quy hoạch và ranh thực hiện dự án, điều tra khảo sát hiện trạng dân cư hiện hữu bị ảnh hưởng bởi các dự án... Trên cơ sở khái toán kinh phí theo đề xuất của UBND quận 7, giao Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu, xác định cụ thể nguồn kinh phí, trình UBND TP HCM phê duyệt theo quy định.
Về xử lý phần đất do nhà nước quản lý trong các khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao UBND quận 7 làm việc với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc triển khai, pháp lý sử dụng đất trong phạm vi 3 đề án để đề xuất phương án thực hiện cho phù hợp (theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công hoặc đất đai).
Về đề xuất điều chỉnh quy mô dân số, quy hoạch phân khu, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc; điều chỉnh chức năng sử dụng đất và hành lang bảo vệ kênh rạch, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, rà soát ý kiến đề xuất của UBND quận 7 và tổ chức triển khai theo đúng quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì chủ động có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng hướng dẫn.
Mở bung cửa ngõ TP HCM
6 dự án được ưu tiên triển khai nếu được cho cơ chế mới hầu hết đều nằm ở cửa ngõ, mang tính kết nối vùng. Trong đó, Quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức, dài 5,8 km dự kiến mở rộng từ 19 m lên 40-60 m, kinh phí ước gần 12.200 tỉ đồng. Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - ranh Long An), dài 9,6 km, dự kiến mở rộng từ 19 m lên 52 m, tổng vốn đầu tư 12.900 tỉ đồng, Tại cửa ngõ phía Tây Bắc, Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dự kiến mở rộng 40 m, xây 2 cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.
Bên cạnh 3 tuyến quốc lộ trên, Sở GTVT đề xuất xem xét áp dụng hình thức BOT với các dự án gồm: xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông -Tây về phía Nam nối ra Vành đai 3 dài 9,7 km, tổng vốn 13.837 tỉ đồng; xây dựng trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - KCN Hiệp Phước) dài 26,8 km, mở rộng lên 40-60 m, kinh phí 54.204 tỉ đồng và xây dựng đường động lực (song song Quốc lộ 50) dài 5,8 km, rộng 40 m, kinh phí 3.816 tỉ đồng.
Nhận định về triển khai 6 dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết rất cấp bách vì đây là những dự án nằm trong nhóm kết nối vùng, cần ưu tiên đầu tư.
Theo ông Phúc, cùng với những dự án trọng điểm như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao An Phú...đang được triển khai thì việc mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 sẽ mở bung các cửa ngõ thành phố, tạo không gian phát triển đô thị cũng như xung lực mới cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Riêng những trục như trục Đông - Tây, trục Bắc - Nam, đường động lực song song Quốc lộ 50 sẽ mở ra không gian phát triển đô thị mới, kết nối ngoại thành và nội thành. Trong tương lai, những trục đường này sẽ nối kết với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4, từ đó không chỉ tăng năng lực giao thông từ Đông sang Tây mà còn thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển, logistics cho thành phố.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2
Bình luận (0)