Chiều 17-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trình bày tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ mục đích của việc xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình
Một trong những điểm mới của dự luật, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Theo đó, dự thảo quy định rõ việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định của Luật.
Sau khi chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các chủ sở hữu được quyền tiếp tục sử dụng đất chung của nhà chung cư để xây dựng nhà chung cư. Trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư, chủ sở hữu được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh về thời hạn sở hữu nhà chung cư, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật. Việc thay đổi chính sách từ không quy định thời hạn sang quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Theo ông Tùng, cũng có những lo ngại quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Bên cạnh đó, việc này có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng mua đất thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.
Nếu quy định như dự thảo luật, thời hạn sở hữu nhà chung cư - tài sản lớn của người dân thực tế sẽ không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu. Điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý về xây dựng khi kiểm định nhà chung cư ở các thời điểm khác nhau.
Liên quan đến chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đây cũng là vấn đề thời gian qua báo chí, dư luận cũng như các cơ quan rất quan tâm.
Theo ông Bùi Văn Cường, vướng mắc này chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động về chính sách này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến quan tâm đến quy định quyền sở hữu chung cư như phương án Chính phủ trình về có thời hạn, mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, vì sức khỏe tính mạng người dân chứ không vì mục đích nào khác, nhưng cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan, trên cơ sở các vướng mắc thực tiễn với tinh thần vướng ở đâu sửa ở đó.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần “bắt cho đúng bệnh” và đặt vấn đề vướng trong sửa chữa cải tạo nhà chung cư có thực sự xuất phát từ thời hạn sở hữu nhà chung cư? Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục thảo luận, làm rõ.
Bình luận (0)