Ngày 23-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982; cùng ngụ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Hoàng Văn Thám (SN 1986, ngụ xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi "Gây ô nhiễm môi trường", theo quy định tại Khoản 2, Điều 235, Bộ luật hình sự năm 2015.
Khu vực chứa chất thải thu được từ nguồn nước ô nhiễm để bên trong Nhà máy nước Sông Đà
Đây là nhóm nghi phạm liên quan đến vụ việc đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước hồ Đầm Bài – là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà, khiến hàng ngàn hộ dân ở TP Hà Nội lâm vào cuộc "khủng hoảng nước sạch".
Sự việc hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, xung quanh vụ việc này, vẫn còn nhiều vấn đề trái chiều về số lượng dầu thải thu gom được giữa 2 báo cáo của Công ty CP nước sạch Sông Đà và UBND tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, tại cuộc họp báo chiều ngày 17-10 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội, qua báo cáo cho thấy, sáng ngày 9-10, Công ty CP nước sạch Sông Đà thấy nước có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã tiến hành kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) có đổ dầu thải, chảy tràn xuống suối Trầm.
Đất, cát nhiễm dầu thải được chất đống trong khuôn viên
Sự việc trên được công ty thông báo tới chính quyền địa phương và Công an huyện Kỳ Sơn, sau đó công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và khẩn trương thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu.
Theo đó, khối lượng thu gom được khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu (khoảng 60 kg) được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy.
Tuy nhiên, cũng tại báo cáo của Công ty CP nước sạch Sông Đà ngày 17-10 gửi Công an huyện Kỳ Sơn, số lượng dầu thải thu gom "vênh nhau" khá nhiều. Theo báo cáo này, trong quá trình thu gom dầu thô tại suối Trầm, do diện tích nhà kho của công ty nhỏ, không chứa hết và có mùi nồng nặc nên một số lượng dầu thải và cỏ, rác lẫn dầu thu gom được đội bảo trì sửa chữa về xây dựng đào hố, trải bạt và cho chất thải xuống chôn lấp tạm trong khuôn viên nhà máy gần vị trí để cát dính dầu.
Số lượng được xác định khoảng 50 can, dung tích 20 lít (1.000 lít) chứa dầu thải và nước, 100 bao tải chứa cỏ, cây dính dầu. Đất và cát khoảng 170 m3 (công ty vẫn đang tiếp tục thu gom).
Công ty thực hiện đào hố chôn lấp tạm thời
Qua 2 báo cáo trên có thể thấy số lượng dầu thu gom được chênh lệch quá nhiều, lên tới khoảng 10 lần.
Trao đổi qua điện thoại về số lượng dầu thải thu gom vênh nhau, ông Bùi Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Sông Đà, cho biết: "Những cái chúng tôi đã thu gom, dính đất, hiện tại chưa có thống kê cụ thể và chưa thể nói chính xác được. Số lượng mà hôm họp báo bên tôi cung cấp, chính xác thực tế không được như thế, nó chỉ tương đối thôi".
"Khi mà đất đá dính dầu, chúng tôi phải xúc toàn bộ, tránh trường hợp rủi ro theo nguyên tắc: "xúc nhầm còn hơn bỏ sót". Chúng tôi cũng đang chờ phía cơ quan điều tra, vì cơ quan công an phong tỏa rồi, chúng tôi không thể phát ngôn chính xác bao nhiêu. Cứ yên tâm, kiểu gì thì sắp tới cũng ra con số cụ thể cung cấp cho báo chí" - ông Khoa nói.
3 nghi phạm liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 21 giờ 30 phút ngày 8-10, tại đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ việc một số đối tượng đổ trộm dầu thải xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, chảy đến hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Nhận tin báo, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chức năng, Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động xác minh điều tra để làm rõ đối tượng đã xả chất thải nguy hại tại khu vực suối Trầm.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16-10, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Nước nguồn dẫn về Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu đen sì
Đến chiều ngày 18-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để phục vụ điều tra. Trưa ngày 20-10, Lý Đình Vũ đã ra cơ quan công an đầu thú.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đang tiến hành lấy lời khai của các nghi phạm, củng cố các tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)