Ngày 1-7, HĐND TP HCM đã phối hợp cùng Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình "Lắng nghe và trao đổi" tháng 7 với chủ đề "Vấn đề ngập nước tại TP: Nguyên nhân và giải pháp". Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập), năm 2015, toàn TP có 40 tuyến đường ngập do mưa, 9 tuyến đường ngập do triều. Đến cuối năm 2017, TP đã giải quyết được 15 tuyến đường ngập do mưa, 4 tuyến đường ngập do triều - dù có giảm nhưng việc chống ngập vẫn nan giải.
Không phân định trách nhiệm, ngập hoành hành
Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết có 3 nguyên nhân khách quan gây ngập. Thứ nhất, địa hình tự nhiên TP HCM nằm ở vùng chuyển tiếp, độ cao mặt đất biến thiên, chịu ảnh hưởng của 3 con sông lớn là Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Thứ hai, ảnh hưởng biến đổi khí hậu (TP HCM là 1 trong 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu). Thứ ba, đô thị hóa tăng nhanh, trong khi mức độ đầu tư hệ thống thoát nước còn rất xa so với thực tế.
Ông Dũng nêu 5 nguyên nhân chủ quan gây ngập. Một là hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu. Hệ thống cống chỉ đạt được gần 45% so với quy hoạch để bảo đảm yêu cầu về mặt thoát nước. Hai là dù thời gian qua TP đã tập trung nhiều nguồn lực nhưng mức độ nạo vét chiếm hơn 1% lượng kênh rạch TP. "Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thoát nước đô thị bởi tất cả các cống đều đổ ra sông, kênh rạch" - ông Dũng nói. Ba là thiếu đồng bộ trong hệ thống thoát nước, đấu nối hạ tầng rất hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả mà nguyên nhân là tiến độ thực hiện các quy hoạch về thoát nước. Bốn là công tác dự báo chưa lường hết biến đổi khí hậu. Năm là tình trạng xả rác, lấn chiếm hệ thống thoát nước sông, kênh, rạch.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải TP HCM Nguyễn Văn Tám chỉ ra sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong công tác duy tu do việc phân công, phân cấp hệ thống thoát nước còn bất cập, lúng túng trong phân định mô hình cũng như quy định trách nhiệm giữa các ngành như thế nào để cùng khai thác hệ thống thoát nước tốt nhất. Ngoài ra, theo ông Tám, trình độ đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác quản lý, điều hành thoát nước còn hạn chế.
Cứ mưa là đường Lê Văn Lương (nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP HCM) lại mênh mông nước. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Cải tổ cách điều hành
Thừa nhận công tác điều hành chống ngập của UBND TP HCM không hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang rà soát lại tất cả nguyên nhân. "Trung tâm Chống ngập không phải là cơ quan quản lý nhà nước về chống ngập mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý các dự án chống ngập, vận hành các dự án sau khi hoàn thành" - ông nói.
Theo ông Tuyến, phải có một sở đứng ra làm cơ quan thường trực tham mưu cho UBND TP HCM về quản lý nhà nước và điều hành tổng thể, đó là Sở Xây dựng. Ông Tuyến cho biết TP HCM đang khẩn trương làm việc này và đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.
"Làm như vậy mới có thể trả lời được những câu hỏi về trách nhiệm. Ngoài giải pháp về tổ chức, TP đang làm lại quy hoạch thoát nước. Công tác quy hoạch thoát nước hiện quá lạc hậu, từ năm 2001 đến nay chưa được bổ sung. Dù có chậm, có khó khăn cũng phải làm mới giải quyết căn cơ được. Song song đó là xây dựng quy hoạch ngầm để thấy nơi nào không được xây dựng, làm ảnh hưởng dòng chảy" - ông Tuyến nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, công tác chống ngập đòi hỏi sự chung tay hành động của mọi người. Thay vì than ngập, hãy nhìn lại chính bản thân ta đã làm gì và sẽ làm gì để giúp TP HCM giảm ngập.
Về phía Sở Giao thông Vận tải TP HCM, ông Nguyễn Văn Tám cho hay sở đã dự thảo xong và đang thẩm định quy định về công tác quản lý hệ thống thoát nước. Thẩm định xong, UBND TP sẽ ký ban hành. Khi đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị sẽ tốt hơn. Theo ông Tám, sở cũng đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP, tạo cơ sở triển khai đồng bộ các dự án liên quan, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng mưa lớn sẽ không tránh khỏi ngập nhưng làm sao thoát nước phải nhanh, thời gian ngập được rút ngắn, chứ ngập cả 1-2 giờ, thậm chí cả tuần, thì không chấp nhận được. Tuy nhiên, theo bà Tâm, một số công trình đầu tư rất nhiều tiền nhưng không hiệu quả, thậm chí còn ngập hơn. Vì vậy, UBND TP phải xem xét lại điều này trong công tác điều hành.
Chủ tịch HĐND TP xin lỗi công nhân thoát nước
Chia sẻ tại chương trình, cử tri Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, kể mỗi ngày làm việc là một ngày đối diện nguy hiểm bởi dưới cống có cả kim tiêm, mảnh ve chai, vật nhọn như dao, chất độc hại do một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt xuống. "Đạp trúng một cái là nhói tim, đau lắm nhưng vì công việc, chúng tôi phải làm cho xong rồi mới lên xử lý" - anh Hùng nói, đồng thời mong người dân vứt rác đúng nơi quy định, không bỏ ở miệng thu, hố ga làm cản trở dòng chảy của hệ thống thoát nước, để công nhân thoát nước đỡ vất vả.
Nghe đến đây, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn lời: "Với tư cách đại diện chính quyền TP, tôi xin lỗi anh, xin lỗi tất cả những người làm công tác này". Theo bà Tâm, nếu mỗi người có ý thức thì chuyện này sẽ không xảy ra. "Tôi tin rằng với lòng tự trọng, mọi người sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để góp phần làm cho TP đẹp hơn, giúp những công nhân như anh Hùng đỡ vất vả hơn" - bà Tâm bày tỏ.
Bình luận (0)