Tìm từ các nguồn tin chính thống khác, thấy viết: Cả năm 2018, tỉnh Sóc Trăng chi ngân sách gần 9.800 tỉ đồng. Vậy là bội chi tới gần 6.000 tỉ đồng và phần "âm" này do ngân sách trung ương hỗ trợ toàn bộ.
Năm nay chắc chắn tình hình chưa thể tốt lên. Không riêng Sóc Trăng, hầu hết trong 13 tỉnh - thành đồng bằng sông Cửu Long đều bội chi ngân sách trong nhiều năm, phải dựa vào "bầu sữa" chung của cả nước. Mà ngân sách nhà nước cũng đâu dồi dào gì, theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, mức bội chi là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Dẫn ra vài con số như vậy để nhấn mạnh các tỉnh, thành phải biết quý từng đồng ngân sách. Lãnh đạo địa phương mỗi khi đặt bút duyệt chi từ công khố phải biết đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt do người dân và doanh nghiệp đóng góp thì mới có trách nhiệm, mới là tiết kiệm - chống lãng phí thực chất.
Trở lại với câu chuyện Sóc Trăng, ngân sách bí bách thế mà lãnh đạo tỉnh duyệt chi gần 1 tỉ đồng từ nguồn dự phòng cho Văn phòng Tỉnh ủy để sắm 16 bộ camera gắn tại nhà của 16 vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Lý do là để ngăn ngừa khủng bố, bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo chủ chốt tỉnh nhà. Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng bảo việc làm này là đúng quy định.
Đúng - sai phải chờ làm rõ. Dù có đúng quy định đi nữa thì ai cũng thấy làm vậy là quá đáng. Những chiếc camera ấy nới rộng khoảng cách giữa cán bộ với nhân dân, đồng thời là một dạng phân biệt đối xử. Nên nhớ là tỉ lệ hộ nghèo ở Sóc Trăng hiện còn tới 8,4%, tương ứng hơn 27.150 hộ. Còn biết bao nhà dân hở trên trống dưới, thiếu trước hụt sau trong khi tư gia quan chức vốn đã nhà cao cửa rộng lại còn lấy tiền ngân sách mua camera đắt tiền để giữ an toàn.
Chưa có địa phương nào làm như Sóc Trăng. Tỉnh nghèo mà cán bộ lãnh đạo có biểu hiện xa xỉ quá rõ, hỏi sao dân không trách! Các vị hãy cống hiến tận lực, cần - kiệm - liêm - chính và thật sự vì dân đi, khi ấy dân ắt sẽ quý trọng và bảo vệ các vị, khỏi cần đến camera làm gì! Nếu ai thấy lo thì bỏ tiền túi ra mà sắm.
Có luồng quan điểm cho rằng gắn camera nhà quan chức lãnh đạo cũng có mặt tích cực, đó là theo dõi được tình hình quà cáp, biếu xén hoặc tẩu tán tài sản..., qua đó giữ trong sạch đội ngũ. Đây là suy nghĩ ấu trĩ, bởi thời nay "phương pháp" hối lộ đã tinh vi hơn trước rất nhiều. Mà, làm tới cấp đó tức là đã được trui rèn qua thử thách và cám dỗ kỹ lưỡng lắm rồi, ai lại hoài nghi họ đến mức phải gắn camera để giám sát, có khác nào gián tiếp bảo với thiên hạ rằng 16 vị cán bộ lãnh đạo ấy chưa đáng tin?!
Trong khi đó, trường hợp cần phải theo dõi, giám sát như vụ Trịnh Sướng sản xuất, buôn bán xăng giả với khối lượng cực lớn, kéo dài nhiều năm thì quý vị lại không thấy! Sau vụ bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - vừa bị kiểm điểm vì tổ chức đám cưới quá xênh xang cho con, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trung ương nên vào cuộc làm rõ chuyện dùng ngân sách mua camera gắn cho nhà cán bộ ở tỉnh này.
Thử hình dung tỉnh, thành nào mà cũng làm như Sóc Trăng thì mức độ mất niềm tin từ nhân dân sẽ tới mức nào?!
Bình luận (0)