Trong dòng người tới viếng, có người gần, người xa, người từng làm việc, người ông từng gặp gỡ... Trước linh cữu, họ cúi đầu thắp nén nhang tiễn biệt vị Thủ tướng trong sự kính trọng và tiếc thương vô hạn. Trong ký ức của người thân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn là một người con, người anh, người chú mẫu mực và đầy trách nhiệm... Còn trong những câu chuyện của bà con xã Tân Thông Hội, họ dành cho ông cái tên Hai Khải thân thuộc... Những đóng góp của ông Hai Khải cho quê hương, từ những công trình phúc lợi xã hội đến những hoàn cảnh khó khăn... không ai có thể quên.
Xây đình cho dân
Ông Nguyễn Văn Hưng (76 tuổi, tên thường gọi là Chín Nu), kể lại một trong những công trình mà người dân xã Tân Thông Hội nhớ nhất của ông Hai Khải là việc giúp bà con xây lại đình Tân Thông. Ngôi đình này là nơi ghi nhớ những dấu ấn lịch sử, về cuộc cách mạng nhân dân Tân Thông ngày xưa. Trong suốt 43 năm trông giữ đình Tân Thông, ông Chín Nu nhớ như in những lần ngôi đình bị bom đạn Mỹ tàn phá đổ nát. "Suốt 30 năm thời chiến tranh, ngôi đình chịu tàn phá nặng nề khi mái đình, các sườn cây đều bị gãy... Dù vậy, ngôi đình vẫn là nơi thờ cúng và cũng là hậu cứ của lực lượng thanh niên xung phong về đây khai hoang, lập nông trường sau ngày giải phóng bởi ngôi đình như nét văn hóa, biểu tượng tâm linh của bà con" - ông Chín Nu xúc động kể.
Trường Tiểu học Tân Thông được xây dựng nhờ công đóng góp lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: GIA MINH
Tấm hình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn lưu giữ tại đình Tân Thông Ảnh: TƯ LIỆU
Xót ngôi đình bị tàn phá nên suốt từ năm 1996 tới 1998, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin cây và trực tiếp trồng để khôi phục lại mảng xanh trong đình. Sau đó, ông tiếp tục vận động các mạnh thường quân đóng góp xây dựng và chính thức hoàn thành việc cất lại vào năm 2010. Sau khi về hưu, nguyên Thủ tướng thường đến đình Tân Thông cùng các bậc cao niên uống trà. Bên trong ngôi đình hiện còn lưu giữ nhiều bức hình kỷ niệm của nguyên Thủ tướng cùng các bia tưởng niệm về mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ đã ngã xuống... Còn tại lối cửa chính ra vào đình, bức bình phong khắc 2 câu đối "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già", do chính tay nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết, như niềm tự hào của cả vùng quê về truyền thống của vùng đất thép. Đó còn là những hàng cây do chính tay nguyên Thủ tướng trồng vẫn xanh tốt và rợp bóng mát.
Giúp trẻ đến trường
Trong sự biết ơn và luyến tiếc vị nguyên Thủ tướng không thể không kể đến các thầy trò Trường Mầm non Tân Thông Hội 2 và Trường Tiểu học Tân Thông (xã Tân Thông Hội). Hai ngôi trường này từng được ông Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng.
Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2 (Trường Mẫu giáo Bông Sen 2 trước đây) là ngôi trường đầu tiên ở huyện Củ Chi được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng theo mô hình bán trú. Sau 20 năm, ngôi trường này đã trở thành đơn vị Anh hùng lao động. Bà Nguyễn Thị Bước, nguyên Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2, hồi tưởng: "Ông hay nói với chúng tôi rằng trong chiến tranh Củ Chi là đất thép, nhân dân đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân Củ Chi, từ người già đến trẻ nhỏ".
Còn theo thầy Lê Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, trước đây khu vực này chỉ có một trường đủ đáp ứng cho 300 em học sinh tiểu học ở xã, số khác phải đi học tận thị trấn Củ Chi. Thấu hiểu được nỗi lo này, ông Sáu Khải đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng ngôi trường. Sau một năm khởi công (từ tháng 9-2009), Trường Tiểu học Tân Thông mọc lên với quy mô 1 trệt, 2 lầu và 40 phòng học, mang lại niềm vui, phấn khởi rất lớn cho những hộ nghèo tại địa phương. "Chú Hai Khải còn giúp nhà trường gây quỹ khuyến học để nâng đỡ những học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sự ra đi của chú Hai Khải là nỗi đau và mất mát rất lớn đối với chúng tôi" - thầy Hoàng bày tỏ.
Với ông Nguyên Văn Trung (49 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội), nhân viên Ban Di tích lịch sử đình Tân Thông, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như một người cha. Ông Trung cho biết trước đây, gia đình ông rất khó khăn, không có tiền lo cho con gái vào đại học. Sau khi nghe anh nói về hoàn cảnh của mình, ông Hai Khải đã kịp thời giúp đỡ. Ông Trung cũng chia sẻ nhiều trường hợp được ông Hai Khải giúp đỡ như con gái ông, chỉ cần có nghị lực, có chí hướng phấn đấu, vươn lên.
"Tôi bảo vệ ở đình Tân Thông nhiều năm và biết nhiều câu chuyện mà nguyên Thủ tướng chia sẻ lúc ông về hưu. Ông ấy không khi nào nói về những vấn đề chính trị với các lão làng mà thường hàn huyên chuyện giăng câu, bắt cá... Ông ấy luôn gần gũi, giản dị, sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn nên bà con nơi đây, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều quý và kính trọng" - ông Trung nói.
Tối 19-3, di quan về Hội trường Thống Nhất
Trong ngày 18-3, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo TP HCM, đại diện các tổ chức, đoàn thể cùng đông đảo người dân đã đến thắp hương kính viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Đến viếng sớm nhất có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; ông Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an - cũng đã đến thắp hương bày tỏ sự thương tiếc, chia buồn cùng gia quyến.
Sau khi hành lễ, mặc niệm tưởng nhớ và thắp hương, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng dành thời gian để chia sẻ, kể về quá trình hoạt động, những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với đất nước. Trong niềm tiếc thương vô hạn, các bậc cao niên, người dân địa phương dành cả sự tự hào, tình yêu thương và kính trọng đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bởi lối sống giản dị, gần dân và hết lòng vì người nghèo.
Theo chương trình lễ tang, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quàn tại quê nhà, đến tối 19-3 sẽ được di quan về Hội trường Thống Nhất TP HCM để tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang trong 2 ngày 20 và 21-3.
Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 20 đến hết 21-3. Lễ truy điệu tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút ngày 22-3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, TP Hà Nội, cũng sẽ diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Bình luận (0)