Với khát vọng vươn khơi xa, chinh phục biển cả, nhiều năm qua, ngư dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định từng bước xây dựng đội tàu đánh bắt cá xa bờ hùng mạnh, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Trong đó, phường Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu lớn nhất thị xã Hoài Nhơn với hơn 1.000 chiếc đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt hằng năm từ 16.000 - 17.000 tấn, chủ yếu là cá ngừ đại dương. Nhưng như ông bà thường nói "lớn thuyền" thì "lớn sóng", đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với ngư dân hiện nay.
Đầu tư công nghệ vẫn chưa đủ
Lão ngư Bùi Thanh Ninh (64 tuổi, phường Tam Quan Bắc) được xem như "vua tàu cá" ở thị xã Hoài Nhơn. Nhiều năm nay, do tuổi cao, ông Ninh không còn "cưỡi gió, đạp sóng" trên biển nữa mà ngồi nhà chỉ huy đội tàu 8 chiếc của gia đình đã cải hoán, tăng công suất, trang bị hiện đại hơn. Việc khai thác thủy sản của đội tàu này cũng không thiên về số lượng mà chú trọng vào chất lượng.
Để thuận lợi trong việc chỉ huy đội tàu trên biển, ông Ninh sử dụng thiết bị định vị các tàu, kết nối với điện thoại thông minh; qua đó biết vị trí đánh bắt của đội tàu hoạt động trên biển. "Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể quản lý hết chuyện ở ngoài khơi. Công nghệ này đã giúp tôi điều phối đội tàu, từ việc biết thông tin các tàu đánh bắt sản lượng đạt hay không đạt, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin gió bão để hướng dẫn các tàu đi neo trú an toàn" - ông Ninh tự tin.
Ông Ninh cho biết khoảng 15 năm trước, những đội tàu câu cá ngừ ở Hoài Nhơn còn thô sơ, đánh bắt chủ yếu dựa vào sức người, kinh nghiệm. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, các đội tàu bắt đầu được nâng cấp, cải hoán và đóng mới to hơn, trang thiết bị hiện đại hơn.
Ngư dân Lê Đại Đức (41 tuổi, ngụ phường Tam Quan Bắc) cho hay hiện tàu cá của anh được trang bị nhiều thiết bị hiện đại: máy định dạng hải đồ, máy MF/HF, ICom, định vị, dò tìm cá, giám sát hành trình, ổn áp, máy liên hệ về bờ, kết nối với bạn tàu…
Theo UBND thị xã Hoài Nhơn, hiện địa phương này có tổng số 2.350 tàu, trong đó đội tàu cá đánh bắt xa bờ có 2.100 chiếc (chiều dài 15 m trở lên). Mỗi năm, sản lượng khai thác của toàn thị xã đạt 59.000 tấn hải sản các loại. Trong đó, các tàu câu cá ngừ đại dương khai thác gần 10.000 tấn, với doanh thu 1.000 tỉ đồng.
Ngư dân tỉnh Bình Định thu hoạch cá ngừ đại dương sau chuyến đi biển dài ngày Ảnh: ANH TÚ
Tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá với khoảng 50.000 lao động trên biển, trong đó có hơn 3.200 tàu đánh bắt xa bờ. Tàu cá ngư dân Bình Định phủ khắp các ngư trường quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1…Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, theo ngư dân ở đây, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, trong khi sản lượng thủy sản khai thác không đạt, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tiền công trả cho "bạn tàu" cũng quá cao nên nhiều chủ tàu không tìm được lao động đi biển phù hợp, nhiều tàu đang phải "đắp chiếu" nằm bờ trong thời gian dài.
Lão ngư Bùi Thanh Ninh cho biết mấy tháng gần đây, ông chỉ cho 4/8 tàu cá của mình hoạt động. Theo ông Ninh, giá nhiên liệu tăng còn tác động giá vật tư, nhu yếu phẩm, đá... tăng thêm khoảng 20%. Do vậy, tàu có công suất càng lớn thì tổn phí càng cao. Cụ thể, tàu lưới vây tốn thêm khoảng 60 triệu đồng/chuyến biển so với trước nên cần phải khai thác được hơn 10 tấn cá thì chủ tàu mới có lời, ngư dân mới có thu nhập ổn định. Riêng tàu câu cá ngừ, chi phí tốn thêm khoảng 35 triệu đồng/chuyến, phải khai thác được hơn 1 tấn cá mới có lời.
Ngư dân Nguyễn Văn Bé (ngụ phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) cho biết sau chuyến đánh bắt đầu năm bị lỗ nặng, ông đã cho 2 tàu cá của mình nằm bờ từ nhiều tháng qua.
Theo tính toán của ông Bé, trước đây, bình quân mỗi chuyến biển đối với tàu lưới vây ánh sáng, tổn phí khoảng 150-160 triệu đồng nhưng với tình hình hiện nay phải lên đến trên 220 triệu đồng.
Nhìn tàu cá trị giá gần 10 tỉ đồng đang bị gỉ sét vì nằm bờ suốt 3 tháng nay, ông Cao Hoài Bổn (57 tuổi; ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) muốn ứa nước mắt. "Đang là tháng mùa, không có bão gió, rất thuận lợi để tàu ra khơi khai thác nhưng phải để tàu nằm bờ" - ông Bổn buồn bã.
Chưa đồng bộ giữa khai thác và tiêu thụ
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra ổn định cho cá ngừ đại dương, giữa năm 2014, tỉnh Bình Định triển khai đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi", do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.
Qua đó, JICA hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho 25 ngư dân tham gia đề án, còn Bình Định chi hàng tỉ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản. Trong khuôn khổ đề án, Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản.
Sau đó, Bidifisco đã thu mua hàng trăm con cá ngừ đại dương được ngư dân đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20% rồi xuất khẩu bằng máy bay để tham gia phiên đấu giá mỗi sáng tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con từ Bình Định sang Nhật Bản sau đó không lâu đã phải dừng lại vì không hiệu quả.
Ngư dân tỉnh Bình Định thu hoạch cá ngừ đại dương sau chuyến đi biển dài ngày Ảnh: ANH TÚ
Ông Nguyễn Văn Việt (ngụ xã Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn) - một trong những chủ tàu tham gia dự án thí điểm - cho hay mỗi phiên đi biển kéo dài cả tháng nên khi tàu về đến bờ, cá ngừ khó có thể đạt chất lượng cao.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco, cho biết khi tàu cập bến, doanh nghiệp sẽ chọn những con cá ngừ đại dương tươi ngon nhất đưa vào đóng gói. Lô hàng này được đưa đến sân bay Phù Cát để trung chuyển vào TP HCM lưu kho chờ chuyển sang Nhật Bản trên chuyến bay duy nhất lúc 0 giờ. Sau 6 giờ bay, chuyến hàng đến Nhật khoảng 7 giờ thì đã trễ, cá phải gửi lưu kho thêm 1 ngày nữa để đợi đến 3 giờ hôm sau mới đưa đến phiên chợ đấu giá.
Trong khi đó, một chuyến biển của đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của Philippines kéo dài không quá 3 ngày. Đến ngày thứ 3, toàn bộ số cá đánh bắt được đều được vận chuyển về tàu hậu cần để bảo quản và tàu hậu cần lập tức quay về bờ rồi đưa lên máy bay sang Nhật Bản ngay trong ngày. Như vậy, cá ngừ đại dương của Philippines xuất khẩu sang Nhật Bản không phải tốn phí lưu kho, bảo quản, được bán ngay nên còn rất tươi.
"Phí vận chuyển và lưu kho rất lớn khiến cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định không thể cạnh tranh được với cá ngừ đại dương của các nước trong khu vực khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là chưa nói đến thời gian đánh bắt kéo dài, lưu kho nhiều ngày nên chất lượng của cá ngừ đại dương Bình Định đến chợ đấu giá không thể sánh với cá ngừ đại dương các nước trong khu vực" - bà Lan phân tích.
Chính sách "gãy đổ"
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có 31 tàu đóng mới, cải hoán nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã đi vào hoạt động sản xuất. Hầu hết tàu cá đóng mới và nâng cấp trên địa bàn tỉnh sau khi hạ thủy đều hoạt động sản xuất ổn định, có hiệu quả. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, tình hình khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang - nhìn nhận Nghị định 67 mở ra cơ hội giúp ngư dân đổi tàu nhỏ thành tàu lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, không ai đoán trước 3 - 4 năm sau biển cạn kiệt, giá cả leo thang nhưng giá cá không tăng khiến ngư dân kiệt quệ. "Năm 2016, tôi hạ thủy tàu 67, đóng hơn 4 tỉ đồng để vươn khơi, bám biển. Năm đầu tiên, đóng cả nợ và lãi được gần 400 triệu đồng. Năm thứ 2, do đi biển khó khăn nên bắt đầu bế tắc và bị ngân hàng ghép vào nợ xấu, bị khởi kiện và đã có bản án. Bây giờ đành phải trả tàu cho ngân hàng" - ông Phúc nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, hiện các ngân hàng này đã khởi kiện 11 chủ tàu; tòa án đã thụ lý hồ sơ và chuyển cơ quan thi hành án 3 hồ sơ. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cũng thừa nhận có thu tàu của ngư dân cũng rất khó thu hồi đúng số tiền đã cho vay.
Cần chính sách đặc thù
Tại diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam 2022 mới đây ở Phú Yên, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng ngư dân cần các thể chế và chính sách điều chỉnh theo hướng bền vững. Ngư dân ra biển không chỉ đánh cá mà đặc biệt là thể hiện quyền dân sự đối với chủ quyền biển đảo. Do đó, họ cần chính sách đặc thù thì mới động viên bám biển, mới có nghề cá bền vững và nghề cá trách nhiệm.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, để phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá như: cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu cá tránh trú bão; chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, ngư cụ và thuyền viên tàu cá nhằm chia sẻ rủi ro cho ngư dân trong quá trình hoạt động khai thác hải sản trên biển; chính sách hỗ trợ, hợp tác để đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản ngư trường nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản nước ta đang ngày càng suy giảm; chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác hải sản, đặc biệt là công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khai thác, nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm khai thác...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Kỳ tới: Nỗi lo thiếu nhân lực vươn khơi
Bình luận (0)