Sáng 21-8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện luật".
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng hội thảo không chỉ nhằm góp ý vào một dự thảo nghị định (gọi tắt là dự thảo) "làm mãi vẫn chưa ổn" mà muốn đặt lại vấn đề tư duy xây dựng pháp luật.
Phải xem lại, làm lại
Theo luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc dự thảo trình nhiều lần mà vẫn chưa ổn là chuyện rất lạ mà ông từng chứng kiến sau hơn 30 năm làm nghề. "Tôi cho rằng dự thảo đang có vấn đề lớn. Ngành giao thông hiện nay không chỉ tắc đường mà còn tắc tư duy, tắc giải pháp" - LS Đức thẳng thắn.
Theo ông Đức, dự thảo cần được xem lại, làm lại, thừa nhận vai trò của công nghệ, kinh tế sẻ chia trong làm chính sách và xu hướng phát triển. Không thể làm như hiện nay và nếu được thông qua, xã hội sẽ phải trả giá và sẽ bóp mạch máu nền kinh tế. "Những nội dung thay đổi trong dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển. Đáng nói hơn, nếu chỉ xét về các điều kiện kinh doanh, điều mà Chính phủ đang nỗ lực cắt bỏ và đơn giản hóa thì dự thảo Nghị định 86 này đã bớt 1, thêm 5" - LS Đức bày tỏ.
Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi
(TP HCM), cho rằng dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiếp thu một số góp ý của doanh nghiệp (DN) nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập. Dự thảo cũng không đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà còn làm tăng thêm nhiều điều kiện rất vô lý.
Dẫn quy định tại điểm c, khoản 1, điều 7 của dự thảo là "đơn vị kinh doanh vận tải không được án định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau", đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng "vô lý, cấm đoán và hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN".
Với quy định "đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện…."; "trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau", đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi bức xúc cho rằng các quy định trên gây khó khăn cho DN, hạn chế quyền tự do kinh doanh và cung cấp dịch vụ của DN.
"Nếu trụ sở chính, văn phòng đại diện có đủ diện tích để đón trả khách, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì sao lại cấm đoán? Tại sao lại cấm mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành trùng nhau? Rất vô lý!" - vị này bình luận.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, phát biểu tại hội thảo
Cần nêu đích danh người ký dự thảo
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), cho rằng dự thảo đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Dự thảo cắt bỏ 12 điều kiện kinh doanh nhưng lại bổ sung 85 điều kiện kinh doanh; trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GTVT. "Ngoài ra, dự thảo có tổng số 37 điều thì CIEM kiến nghị 19 điều. Rõ ràng, dự thảo này đang có vấn đề gì đó nên cần phải cân nhắc lại" - bà Thảo nêu quan điểm và góp ý thêm: "Với 21 điều kiện kinh doanh quy định theo kiểu "theo quy định của Bộ trưởng GTVT" thì không biết còn bao nhiêu điều kiện "con cháu" nào khác nữa hay không? Rõ ràng, dự thảo như thế này không đạt được mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ".
Liên quan đến quy định về vận tải hợp đồng điện tử, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun) Trương Đình Quý bày tỏ: "Các quy định của pháp luật muốn thực thi được trước hết phải xuất phát từ cuộc sống, bắt nguồn từ nhu cầu xã hội và phù hợp với hiện trạng xã hội; bảo đảm cơ sở thực tiễn, khách quan và khoa học". Theo ông Quý, duy nhất tại Việt Nam, Grab, Uber được gọi là vận tải hợp đồng điện tử. "Mặc dù vậy, trên thực tế, hơn 100 triệu chuyến xe Grab, Uber thực hiện thời gian qua đều không có hợp đồng nào được ký kết" - ông Quý nêu thực trạng và cho rằng định danh Grab, Uber là vận tải hợp đồng điện tử "để lách các điều kiện kinh doanh của taxi".
Cho rằng Nghị định 86 liên quan đến sự sống còn của cả ngành vận tải taxi và cuộc sống của cả trăm ngàn lao động, ông Quý đề nghị "xin đừng đổ trách nhiệm lên đầu người đứng đầu Chính phủ, vì người đứng đầu Chính phủ phải tôn trọng tham mưu của các bộ, ngành. Vì vậy, xin nêu đích danh người ký chốt văn bản trình để khi có vấn đề gì, các DN, người lao động đến để kiện, để đòi bồi thường thiệt hại" - ông Quý quyết liệt.
Không triệt tiêu xu hướng mới
Ông Nguyễn Đình Cung cho biết với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong xu hướng kinh doanh cũng sẽ có sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Uber, Grab chỉ là một hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số; dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại. "Đừng vì một hiện tượng mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới" - Viện trưởng CIEM bày tỏ.
Ông Cung cũng cho biết những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích mạnh và chịu những rào cản kỹ thuật nào đó nhưng không có nghĩa là triệt tiêu nó. "Lúc này quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp" - ông Cung nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị cần tận dụng kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Quy định doanh nghiệp ôtô phải sử dụng chữ ký số trong giao dịch là không nên và không thể. "Việc yêu cầu nhà xe phải lắp camera giám sát cho ôtô sẽ gây lãng phí lớn trong khi chúng ta đã yêu cầu họ lắp hộp đen rồi. Nếu với 340.000 ôtô hiện nay, mỗi camera chi phí 4-5 triệu đồng, phí duy trì 120.000 đồng/xe/tháng. Mỗi năm, các DN mất thêm từ 1.500 đến 1.900 tỉ đồng. Điều này có hiệu quả hay không?" - ông Long đặt vấn đề.
Có biểu hiện cài cắm lợi ích ngành
Trong văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ, CIEM cho rằng dự thảo Nghị định 86 có biểu hiện cài cắm lợi ích ngành, đưa ngay điều kiện kinh doanh vào định nghĩa. CIEM cũng cho biết dự thảo còn 21 lần quy định giao thẩm quyền cho Bộ GTVT quy định thêm, trong đó có: "… theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT" hoặc "Bộ trưởng Bộ GTVT quy định…". Cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho DN.
Do đó, CIEM kiến nghị Chính phủ chưa nên thông qua dự thảo này và yêu cầu Bộ GTVT soạn thảo lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Dự thảo cần loại bỏ tư duy cài cắm lợi ích, không được cài cắm điều kiện kinh doanh trong định nghĩa.
Bình luận (0)