Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 18-3 cho biết: Quy hoạch chi tiết ở các quận, huyện "ăn" vào đất xây dựng bến bãi xe buýt đã được UBND TP chỉ đạo cập nhật, bố trí quỹ đất phù hợp cho hệ thống giao thông tĩnh và những khó khăn trong vấn đề này đang dần được tháo gỡ.
Phải ưu tiên quỹ đất
Theo Sở GTVT TP, dựa trên chỉ tiêu quy hoạch phát triển GTVT và quy hoạch chung xây dựng ở mỗi quận, huyện trên địa bàn TP, sở này cùng các quận, huyện đã tiến hành rà soát, thống nhất bố trí xác lập từng loại hình, số lượng, địa điểm và quy mô bến bãi cụ thể. "Nói chung, tình trạng chênh nhau giữa quy hoạch của quận, huyện và quy hoạch chung về phát triển GTVT tại TP HCM, trong đó có bến bãi xe buýt đã được UBND TP chỉ đạo nhanh chóng giải quyết" - đại diện Sở GTVT TP thông tin.
Ưu tiên quỹ đất để xây dựng bến bãi cho xe buýt là việc chính quyền TP HCM phải làm quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng này Ảnh: GIA MINH
Bình luận về động thái trên, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đó là việc làm kịp thời trong bối cảnh xe buýt đang được xem là chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Theo ông Sơn, với riêng bến bãi và nhà chờ - một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống xe buýt - phải được đầu tư đồng bộ, thỏa mãn các yêu cầu như sự tiện lợi cho hành khách cũng như phục vụ cho hoạt động chuyên ngành. Đặc biệt, quy hoạch giao thông phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị để phát huy hiệu quả các loại hình VTHKCC, đặc biệt là xe buýt và metro sau này. Mặt khác, cũng theo ông Sơn, các điểm dừng, bến bãi xe buýt, nếu khai thác tốt quỹ đất xung quanh cùng việc phát triển các loại dịch vụ còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo nguồn kinh phí để tái đầu tư cho xe buýt cũng là vấn đề chính quyền phải tính đến để giảm gánh nặng ngân sách chi trợ giá cho xe buýt.
Tương tự, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP, nhấn mạnh muốn đầu tư vào xe buýt thì phải có bến bãi, trạm dừng, trạm trung chuyển… Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất cho các hạng mục này còn quá thấp nên TP phải khẩn trương giải quyết. Theo ông Trường, hiện TP mới có quy hoạch chung còn quy hoạch chi tiết cho lĩnh vực GTVT thì chưa có, vì vậy ông nhận định đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số quận, huyện khi thực hiện quy hoạch có sự chồng lấn lên các vị trí mà Sở GTVT TP xác lập làm bến bãi trước đó. "Cần phải đốc thúc Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ làm quy hoạch chi tiết để sớm thông qua làm cơ sở cho các quận, huyện điều chỉnh, từ đó mới tạo ra sự đồng bộ" - ông Trường nói.
Trị "bệnh" cũ, thêm giải pháp đột phá
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nhìn nhận việc phát triển hệ thống giao thông công cộng với xe buýt là trọng tâm được xem là giải pháp căn cơ để giảm kẹt xe.
Tuy nhiên, ông đánh giá với khoảng 8 triệu xe máy đang lưu thông tại TP, chiếm hơn 90% các loại xe, trong khi tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này cũng rất nhanh, thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ hạn chế vào một số quận nội thành là khó khả thi nếu không có những giải pháp đột phá.
Từ quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Hậu, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban MTTQ TP HCM), cũng cho rằng tại TP, hệ thống VTHKCC mà chủ lực là xe buýt hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Lý do là các hoạt động mang tính chất cá thể chiếm tỉ lệ rất lớn nên để phục vụ nhu cầu này, xe cá nhân sẽ thuận tiện hơn bởi sự linh động. Do đó, xe buýt cần phải có giải pháp đột phá để đáp ứng được nhu cầu nêu trên, tạo sự thuận tiện cho hành khách như khả năng tiếp cận, hiện đại và an toàn thì sẽ thu hút được người dân.
Còn về giải pháp lâu dài, theo ông Ninh là phải quy hoạch thành các khu dân cư khép kín, có đầy đủ những yếu tố đáp ứng nhu cầu cho người dân thì sẽ giảm nhu cầu đi lại và sẽ tự động bỏ xe cá nhân.
Bổ sung thêm, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để xe buýt hoạt động tốt hơn và thu hút nhu cầu đi lại, hiện nay cần giải quyết nhanh những tồn tại như rà soát lại luồng tuyến, hạn chế tối đa sự trùng lắp cũng tránh tình trạng tuyến này nhiều xe nhưng ít khách, tuyến khác thì ít xe khiến khách phải chen chúc nhau.
Ông Sơn cũng cho rằng đối với mục tiêu đến năm 2030, thị phần VTHKCC phải đảm nhận từ 29,3%-36,8% và hướng tới dừng hoạt động của xe máy là khó khả thi bởi thị phần VTHKCC hiện nay còn khá khiêm tốn. "Theo kinh nghiệm của nhiều TP lớn trên thế giới, muốn dừng hoạt động xe máy thì VTHKCC phải đạt 60%-70%. Do đó, chính quyền TP cần phải có những giải pháp mang tính đột phá để người dân "cùng buýt" thì mới mong xe buýt trở thành chủ lực trong việc đi lại ở TP HCM" - ông Sơn phân tích.
Cần nâng chất lượng hơn nữa
"Tôi sử dụng xe buýt mỗi ngày để đi học và phải thừa nhận rằng nhiều tuyến xe buýt rất thuận tiện, giá rẻ, không phải chịu nắng mưa khi di chuyển trên đường" - sinh viên Nguyễn Phương Linh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) nhận xét.
Tuy nhiên, theo Phương Linh, để hành khách thực sự thích thú, chủ động tìm đến xe buýt thì cần cải thiện những tồn tại hiện nay như giờ giấc, sự thân thiện của của tài xế, tiếp viên cũng như vấn đề an toàn, vệ sinh trên xe... Đặc biệt, các trạm dừng chờ xe buýt cũng phải cải thiện về chất lượng bởi thực tế rất nhiều trạm dừng không có mái che, xung quanh nhếch nhác và mất an toàn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-3
Bình luận (0)