Ngày 17-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu (ĐB) về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ và thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an
Theo kết quả công bố trưa ngày 17-11, có 414 ĐB đã tham gia cho ý kiến. Đối với việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ để ban hành luật riêng, có 302/414 ĐB (chiếm 72,95%) không đồng tình; có 104/414 ĐB (25,12%) đồng tình. Ngoài ra, có một số ĐB chọn ý kiến khác.
Về đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, có 321/414 ĐB (77,54%) không đồng tình chuyển; có 86/414 ĐB (20,77%) đồng tình chuyển.
Về thời điểm thông qua Luật (kể cả tách hay không tách Luật), có 251/414 ĐB (60,63%) đồng ý với phương án thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội cùng ngày, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, cho biết Quốc hội lấy ý kiến về 3 nội dung. Thứ nhất, là việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ để ban hành luật riêng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ hai, là đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Thứ ba, là thời điểm thông qua Luật (kể cả tách hay không tách luật).
ĐB Đỗ Văn Sinh cho biết Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu về 3 nội dung - Ảnh: Nguyễn Nam
Hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường với nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời đề nghị Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về vấn đề này.
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 16-11, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết ông đồng tình phương án không tách Luật Giao thông đường bộ. Theo ĐB Sơn, cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật.
"Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo"- ĐB Sơn bày tỏ và cho rằng phải làm rõ lý do tách luật trong điều kiện gấp gáp như thế và giải quyết những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.
ĐB Nguyễn Bá Sơn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình chuyển việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cũng cho rằng, việc tách ra làm 2 luật, trước hết không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc nhằm tập trung phát huy lực lượng quân đội, công an chính quy. Trước ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ công an, ĐB Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ.
Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng hai luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau. Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông, bởi hiện nay là hơn 90% các lỗi vi phạm giao thông thuộc về ý thức, nhận thức; điều chỉnh hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn. Mục tiêu của luật này là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con người...
Đối với Luật Giao thông đường bộ, ĐB Xuân cho rằng thuộc về cơ sở vật chất, kĩ thuật, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cho nên việc việc điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực là cần thiết.
Bình luận (0)