Ngày 13-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc (Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) và dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình) thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Đây là 2 trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay đã xử lý 5/12 dự án yếu kém của ngành công thương; còn lại 7 dự án cần tiếp tục xử lý, trong đó có dự án Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình.
Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác đã nghe báo cáo, ý kiến về tình hình sản xuất - kinh doanh của 2 nhà máy và việc triển khai các phương án xử lý của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác kiểm tra dự án Đạm Hà Bắc Ảnh: NHẬT BẮC
Dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc khởi công cuối năm 2010, vận hành từ năm 2015, chậm 36 tháng so với kế hoạch. Theo các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, sau khi mở rộng, nhà máy luôn vận hành ổn định nhưng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Đến cuối năm 2021, công ty đã trả nợ 2.323 tỉ đồng và hơn 104 triệu USD, còn nợ hơn 6.400 tỉ đồng (vay gốc hơn 3.000 tỉ đồng, nợ lãi hơn 3.300 tỉ đồng) và hơn 112 triệu USD. Khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015-2020 của công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỉ đồng. Nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính thì công ty khó có thể lãi bền vững.
Kết luận cuộc làm việc tại dự án Đạm Hà Bắc, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, rút kinh nghiệm từ các dự án yếu kém đã được xử lý, hoàn thiện đề án xử lý dự án theo kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; đưa các phương án cụ thể và đánh giá tác động của từng phương án; hoàn thành đề án trong tháng 8.
Đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, nhà máy liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỉ đồng).
Thủ tướng cho rằng dự án này có nhiều điểm chung như dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc, phải có phương án xử lý triệt để. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khẩn trương xây dựng đề án theo tinh thần tái cơ cấu đơn vị, trong đó có tái cơ cấu vốn vay, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo thực hiện xử lý các tồn tại, yếu kém của Nhà máy Đạm Ninh Bình, cùng với 4 dự án thua lỗ, yếu kém khác trong số 7 dự án còn lại để trình Bộ Chính trị đúng thời gian.
Bình luận (0)