Ngày 2-12, trạm thu phí BOT Cai Lậy Tiền Giang lại liên tục rơi vào tình cảnh đóng - xả trạm. Nhân viên trạm gần như kiệt sức trước sự phản ứng gay gắt của tài xế.
Dùng nhiều cách để phản đối BOT
Lúc 10 giờ 15 phút ngày 2-12, tài xế Võ Hoàng Năng (ngụ tỉnh Vĩnh Long) lái container qua trạm thu phí và được nhân viên đưa vé, trên đó có vết tẩy xóa từ số tiền 180.000 đồng thành 140.000 đồng. Anh Năng không chịu qua trạm và yêu cầu nhân viên đưa vé in chính xác giá tiền. "Nếu đóng tiền ít hơn số tiền trên vé là đồng lõa với việc trốn thuế. Mà sửa giá vé như vậy không in tờ mới về công ty sẽ không được thanh toán trở lại. Trạm phải cung cấp cho chúng tôi giấy tờ từ Chi cục Thuế để chứng minh" - anh Năng nói với nhân viên. Sau đó, hàng chục tài xế khác cũng dừng ở trạm thu phí lâu để yêu cầu nhân viên đưa vé in số tiền chính xác.
Trong khi đó, tài xế Minh Trí, ngụ Tiền Giang, bị nhân viên mời ra khu vực ngoài cabin vì đưa tiền lẻ nhưng anh Trí không đồng ý với lập luận: "Tôi đóng tiền qua trạm thì phải đưa tiền tại trạm. Giả định nửa đêm bắt tôi ra đó có người cướp tiền tôi thì ai chịu, rất nguy hiểm".
Nhiều tài xế yêu cầu nhân viên trạm thu phí phải làm rõ vì sao vé lại tẩy xóa giá tiền Ảnh: LÊ PHONG
Cuối ngày, một nữ tài xế điều khiển ô tô BKS TP HCM khi qua trạm đã đưa tiền lẻ rất lâu. Người này cho biết do có tật "đếm tiền bị nhầm" nên cứ đưa cho nhân viên rồi xin lại để kiểm tra. Cuối cùng, nữ tài xế yêu cầu nhân viên phải lắp đặt máy đếm tiền để tránh đưa tiền thừa.
Ngoài ra, hàng loạt tài xế từ nhiều tỉnh, thành vượt hàng chục km để tới trạm thu phí BOT Cai Lậy đòi lại 100 đồng tiền mà đơn vị này còn thiếu hôm 30-11. Tài xế Huỳnh Long, ngụ Vĩnh Long, cho biết phải lấy lại số tiền của mình dù ít hay nhiều.
Theo ghi nhận trong ngày 2-12, hầu hết tài xế nhất quyết không di chuyển ra khu vực bố trí tiền mệnh giá thấp mà một mực phải đưa tiền ở bên trong trạm. Để xử trí, các nhân viên phải dùng biện pháp xả trạm.
Xuất hiện người lạ mặt đe dọa tài xế
Sáng 2-12, phóng viên Báo Người Lao Động nhận được phản ánh từ người dân cho biết có một nhóm thanh niên người xăm trổ có mặt quanh trạm thu phí, hễ thấy tài xế nào dừng lâu ở trạm thì đến hù dọa.
Sáng 2-12 xuất hiện một số người lạ hăm dọa tài xế qua trạm thu phí BOT Cai Lậy.Ảnh: LÊ PHONG
Cụ thể, lúc 10 giờ 45 phút, khi một tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thì có 2 thanh niên chạy đến vừa đu cửa xe vừa chỉ mặt tài xế nói: "Thắc mắc gì hả? Tao nói mày nghe thắc mắc cái gì thì ra ngoài kia đậu để cho xe người ta lưu thông". Thấy người lạ, tài xế hỏi lai lịch thì họ to giọng: "Mày không cần biết tao là ai và mày phải lái xe đi chỗ khác". Trước đó, lúc 0 giờ cùng ngày cũng xuất hiện một số đối tượng mặt bặm trợn hù dọa, chửi bới những tài xế khiến một số người hoảng sợ.
Với nghi vấn có hay không BOT Cai Lậy thuê những người gây áp lực với tài xế, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết chưa ghi nhận việc có người lạ đe dọa tài xế. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị gặp trực tiếp để cung cấp hình ảnh xem có phải là nhân viên trạm thu phí hay không thì ông Hiệp từ chối và nói: "Nhân viên của trạm có màu áo nhận diện".
Tiếp nhận thông tin từ Báo Người Lao Động, đại diện Công an huyện Cai Lậy đã xác minh danh tính những "người lạ" nói trên. Bước đầu cho thấy những người này ngụ ở gần trạm thu phí.
Chiều 2-12, nhiều tài xế gặp ông Nguyễn Phú Hiệp để hỏi vì sao BOT Cai Lậy thu phí xe của người này nhưng không thu phí xe của người nọ. Ông Hiệp trả lời: "Thu - xả là quyền của nhà đầu tư. Tài xế nếu muốn không tốn tiền thì đậu ở đâu đó nếu có xả thì đi qua".
BOT Ninh An đề nghị xử lý tài xế gây rối
Ngày 2-12, Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án BOT Ninh An Quốc lộ 1, cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có biện pháp xử lý tình trạng kẹt xe liên tục ở trạm thu phí BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) do tài xế trả tiền lẻ. Công ty đã tập hợp các tài liệu, chứng cứ liên quan gửi cơ quan chức năng đề nghị xử lý các tài xế gây rối.
Theo đó, trong 2 ngày 1 và 2-12, các tài xế sử dụng tiền lẻ để qua trạm thu phí này gây tình trạng kẹt xe kéo dài. Một số người khác tập trung xung quanh trạm quay phim, chụp ảnh, cổ vũ. Các tài xế cho biết họ bức xúc vì chỉ đi khoảng vài km nhưng phải trả nguyên cả cung đường, giá các trạm BOT Ninh An cao hơn các trạm khác. Việc dời trạm thu phí này ở xã Ninh An về xã Ninh Lộc để "hốt" trọn xe ở Quốc lộ 26 xuống. Các tài xế địa phương muốn miễn phí cho cả thị xã Ninh Hòa…
K.Nam
Nên di dời trạm thu phí Cai Lậy
BOT Cai Lậy sau một thời gian dài xả trạm đã bắt đầu thu phí trở lại. Lần này sai lại càng thêm sai.
Chỉ riêng cái quy định xe nào mà tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ phải vào khu vực làn chờ riêng đã là quá sai. Thể hiện sự phân biệt đối xử bất bình đẳng trong quan hệ giao dịch dân sự. Trong hệ thống tiền tệ VNĐ hiện nay thì tờ tiền có mệnh giá từ 100 đồng đến 500.000 đồng đều vẫn đang được phép lưu hành và được nhà nước bảo hộ. Trong tất cả các điều luật về giao dịch dân sự cũng không hề có bất kỳ điều luật nào quy định về phương thức thanh toán mà trong đó bắt buộc phải sử dụng tiền có mệnh giá tối thiểu từ bao nhiêu trở lên.
Dù rằng chúng ta vẫn ngầm hiểu việc tài xế sử dụng tiền có mệnh giá thấp khi mua vé qua trạm đang chỉ là hành động phản đối, mang tính bất tuân dân sự nhưng sự can thiệp một cách tích cực của công an địa phương cũng đang để người dân phải đặt ra câu hỏi tại sao công an lại can thiệp quá sâu vào một quan hệ giao dịch dân sự, kể cả hành vi bắt tạm giữ tài xế. Theo phía công an thì các tài xế này đang có hành vi gây rối, cản trở giao thông. Tại sao không đặt ngược lại vấn đề là ở đây, trạm thu phí mọc lên án ngữ tuyến quốc lộ (QL) hiện hữu mới được coi là nguyên nhân chính gây cản trở giao thông, tại sao lại không bị xử lý?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm rõ và trả lời các vấn đề liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy, tránh để tình trạng này kéo dài, trong chiều 1-12, Bộ GTVT đã ra thông cáo báo chí trả lời về vấn đề này. Nhưng cũng như những lần trước, Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm rằng vị trí đặt trạm thu phí đã được lên phương án từ trước, cũng như phương án thi công tuyến tránh kết hợp tăng cường mặt đường QL1 hiện hữu và đã được sự chấp nhận, đồng thuận từ Chính phủ tới các cơ quan chức năng địa phương. Một lần nữa tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của dự án cũng như tính hợp lý đối với vị trí đặt trạm thu phí. Nhưng Bộ GTVT lại đang giải trình theo hướng bênh vực chủ đầu tư và vẫn chưa trả lời được câu hỏi tại sao trong quyết định về việc công bố danh mục dự án đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy tỉnh Tiền Giang ngày 19-9-2013 không đề cập phần tăng cường tuyến QL1 hiện hữu. Ngay cả trong quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 11-11-2013 cũng không đề cập phần tăng cường mở rộng QL1. Cần nhấn mạnh là dự án này được khởi công vào tháng 2-2014 và cho đến nay Bộ GTVT vẫn chưa trình ra được bất cứ văn bản nào thể hiện phần tăng cường tuyến QL1 hiện hữu đã được Chính phủ thông qua.
Rõ ràng, vị trí đặt trạm thu phí này xét trên bất cứ phương diện nào cũng là đang sai. Sai thì phải sửa, không sửa thì làm sao lấy lại niềm tin của nhân dân? Khi người dân đã không còn tin thì liệu các công trình BOT sau này, dù thật sự cần thiết và đúng đắn, liệu có còn được sự ủng hộ từ phía người dân nữa hay không?
Cần nói lại rằng người dân không hoàn toàn phản đối các dự án BOT giao thông nếu như dự án đó hợp lý, cần thiết. Ví dụ như tuyến QL51 hiện nay, dù trạm thu phí đang được đặt trực tiếp trên tuyến QL nhưng người dân thấy được sự thay đổi lớn so với trước khi có dự án, đáp ứng được yêu cầu tham gia giao thông hằng ngày nên vẫn được người dân ủng hộ và không xảy ra tình trạng phản đối.
Thiết nghĩ, Chính phủ và Bộ GTVT cần phải công bố ngay các kết quả thanh tra, kiểm tra đối với dự án BOT Cai Lậy. Trong thời gian chờ đợi phương án giải quyết tối ưu cần phải xả trạm vô điều kiện. Cân đối ngân sách và đưa ra giải pháp di dời vị trí trạm thu phí. Không thể vì cái sai của vài cá nhân, tổ chức mà bắt người dân phải gánh chịu.
Đoàn Huy
Bình luận (0)