Tuy không bị xử lý gì như cách biện giải của một quan chức kiểm lâm Tây Ninh nhưng sự hợm hĩnh đã được bày ra, dễ thấy.
Dù lý giải loanh quanh thế nào thì kiểm lâm Tây Ninh cũng phải thừa nhận đây là giống chim quý thuộc loài nguy cấp, cấm săn bắt, nuôi nhốt. Việc du di cho hành vi mua bán, làm thịt loài chim này đều trái những quy định hiện hành. Lý giải theo kiểu "đây là lần đầu vi phạm", "không biết mua của ai", "vô tình thấy nên chụp hình"... đều khó có thể chấp nhận, nhất là đối với kiểm lâm - được giao trách nhiệm bảo vệ rừng. Mặt khác, bảo vệ rừng là bảo vệ tổng thể hệ sinh thái của cả một vùng đất chứ đâu chỉ là chăm chăm đi bắt gỗ lậu. Hệ sinh thái mất thì rừng cũng chẳng còn.
Không chỉ vụ 2 con chim cao cát này chúng ta mới thấy sự rởm đời của nhiều người kém ý thức nhưng lại thừa sự khoe mẽ. Cách đây hơn 1 tuần, một người khác đã đưa hàng loạt hình ảnh ghê rợn khi trói giật cánh khuỷu và làm thịt một con khỉ, rất tàn bạo nhưng lại được khoe khoang đầy tự mãn, bệnh hoạn trên mạng xã hội.
Thói hợm hĩnh cũng ngày càng "phổ biến" trên mạng xã hội. Nhỏ thì uống rượu pha tiết tê tê, lớn chút là ăn thịt rùa vàng trên núi, lắm tiền nhiều của thì thịt bò tót, tay gấu ngựa... Càng "độc", càng hiếm lại cứ tưởng càng chứng tỏ được đẳng cấp của mình qua cách hiểu hẹp hòi của bản thân.
Khoa học đã chứng minh chẳng bổ béo gì hơn từ những món ăn như thế cả, nên cũng chẳng có gì phải khoe khoang. Trong quá tình tiến hóa, loài người đã tự chọn lọc những loài vật cung cấp thịt đủ dinh dưỡng và an toàn, từ đó thuần hóa trở thành vật nuôi cung cấp thịt như hiện nay, như gà, vịt, trâu, bò, heo, dê, cừu... Đừng vội ảo tưởng với những gì mình biết chập chững, không khéo mang họa. HIV từ đâu xuất hiện? Các nhà khoa học đã chắc chắn khẳng định chủng virus đáng sợ này lây qua người từ loài khỉ không đuôi. Còn virus bệnh viêm não Tây sông Nile thì có trong thịt hàng trăm loại chim...
Về mặt pháp luật, hãy coi chừng, vui với những trò rởm thì chỉ chốc lát nhưng trả giá cho việc này chẳng nhỏ chút nào. Chúng ta hẳn không quên chuyện chủ một doanh nghiệp nổi tiếng ở Tây Nguyên từng bị phạt tù 4 năm vì thú vui săn bò tót. Nhiều đại gia cũng thân bại danh liệt vì thịt thú rừng.
Thiên nhiên luôn hiền lành mà nhiều người trong chúng ta thì không được như thế. Giết loài chim cao cát ảnh hưởng gì đến con người? Một học sinh trung học cơ sở cũng dễ dàng trả lời: Đây là loài chim ăn quả, khi bài tiết sẽ gieo hạt tự nhiên cho cánh rừng nơi chúng sinh sống. Sự đa dạng, phát triển của các cánh rừng phụ thuộc vào những loài thú ăn quả. Triệt tiêu một loài sẽ tác động tiêu cực đến các loài khác trong chuỗi thức ăn và ảnh hưởng toàn bộ hệ sinh thái.
Tàn nhẫn với tự nhiên rồi chính chúng ta sẽ than van, trả giá về những hậu quả nhãn tiền và cả di hại về sau.
Bình luận (0)