Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch 2018.
Ước mơ sẻ chia với bác sĩ bị tấn công
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ với những khó khăn, sức ép của đội ngũ bác sĩ.
Vị ĐBQH làm trong ngành y tế này cho biết sức ép lớn nhất là điều kiện để làm việc, cơ sở vật chất kỹ thuật bệnh viện ngày càng xuống cấp. Đặc biệt, người quản lý bệnh viện càng khó khăn làm sao để cân đối được tài chính, lo được cho bệnh viện trước áp lực thị trường. "Bản thân người bác sĩ mới ra trường, họ sẽ phát triển theo hướng nào khi họ thấy nhan nhản cảnh đó" – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đặt câu hỏi.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Một sức ép khác, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, chính là đến từ cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo.
"Tôi nói điều này hơi nặng. Nhưng chúng ta hãy nhìn thời gian qua có biết bao nhiêu cuộc tấn công các bác sĩ, kể cả hiếp dâm điều dưỡng, rất nhiều vấn đề… nhưng chúng tôi nhận thấy ngành phản ứng hết sức chậm chạp, không đứng ra để bảo vệ cho các bác sĩ một cách kịp thời. Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý của bác sĩ từ ngày 14-7 thì ngay một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín của Bộ trưởng" – bà Phạm Khánh Phong Lan chỉ rõ.
Bà Lan cũng cho rằng đây là "việc đáng buồn", làm cho tư tưởng người bác sĩ, cán bộ y tế rất hoang mang bởi cái nhanh nhạy của của người lãnh đạo trong xử lý lại không phù hợp. "Và, chúng tôi cũng đề đạt ước mơ làm sao trong thời gian sau này, nếu như một bác sĩ bị tấn công thì các ngành, các cấp, đặc biệt phía công an, xã hội cũng có sự sẻ chia" - ĐB Lan bày tỏ.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào giữa tháng 8-2017, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện 5 triệu đồng và bị Trung tâm Y tế huyện Phong Điền xử lý mức kỷ luật khiển trách vì lên Facebook "khuyên" Bộ trưởng Bộ Y tế nghỉ.
Bệnh nhân dùng thuốc giả, bồi thường thế nào?
Với vụ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, bà Lan đặt câu hỏi: "Bên cạnh trường hợp này còn bao nhiêu trường hợp thế nữa? Cần nghiêm túc xem lại".
Theo bà Lan, "nội chuyện thống nhất đây là thuốc kém chất lượng hay giả mà cứ cãi hoài, nhưng chỉ cãi qua cãi lại trên phương tiện thông tin đại chúng, đó là thiếu tôn trọng pháp luật".
Đặc biệt, tại toà, các bị cáo "lý luận" rằng thuốc này vẫn còn trong kho chưa đưa ra thị trường. Vậy, vẫn còn những thuốc đã đưa vào thị trường rồi thì xử lý thế nào.
"Tôi xin hỏi những bệnh nhân đã sử dụng thuốc ung thư giả này thì chúng ta có cơ chế bồi thường thiệt hại như thế nào?" - bà Lan đặt câu hỏi và đề nghị giải pháp tìm ra những người tích lũy được tài sản, ăn hoa hồng, tham nhũng khi cấp phép cho các loại thuốc này lưu hành để sử dụng tài sản của họ bồi thường cho các bệnh nhân.
Nữ ĐB TP HCM cũng nêu thực tế vừa qua, báo chí rộ lên đề nghị xác định 7 loại thuốc do VN Pharma nhập về trước đó. Đây cũng đều là các loại kháng sinh dành cho những trường hợp bệnh rất nặng. Vậy thì những loại thuốc này đã đi về đâu?
"Lúc đó, từ Bộ Y tế đến Bảo hiểm Y tế lục tục soát lại xem bệnh viện nào đã mua loại thuốc này cho bệnh nhân thì phải xuất toán. Tôi nghĩ vấn đề không phải xuất toán, vấn đề là phải bồi thường cho bệnh nhân. Tại sao phải xuất toán lúc bệnh viện mua là hoàn toàn hợp lệ, và người phải chịu trách nhiệm là người cấp phép" - bà Lan tiếp tục nêu câu hỏi.
Theo ĐB Lan, nếu như các cấp lãnh đạo của ngành quan tâm hơn nữa thì hiệu quả của công tác y tế còn cao hơn nhiều.
Bình luận (0)