Thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều thành tựu quan trọng
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đánh giá những thành tựu quan trọng của công tác dân số đó là mức sinh thay thế bình quân của cả nước được duy trì trong suốt 16 năm qua, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng với chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Đặc biệt, sau gần 50 năm, Việt Nam đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỉ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và được duy trì trong suốt 16 năm qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Doãn Tú cũng chỉ rõ những thách thức mà Việt Nam phải giải quyết, đó là mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại đô thị và hàng chục tỉnh, thành khác, trong khi một số nơi, kinh tế - xã hội khó khăn hơn lại có mức sinh cao, thậm chí trên 2,5 con/phụ nữ.
Việt Nam đang nỗ lực cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, thành phố
Hiện tại, mức sinh của khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ), cao hơn khu vực thành thị (1,83 con/phụ nữ) và cao hơn mức sinh thay thế. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, bình quân 2,43 con/phụ nữ. Mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ) ghi nhận tại 21 tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, trong đó TP HCM nhiều năm gần đây dao động từ 1,3 - 1,5 con/bà mẹ.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), cảnh báo mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Điều này còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư.
Các chuyên gia dân số cho rằng với việc duy trì mức sinh thay thế 2,09 con/phụ nữ sẽ đưa quy mô dân số nước ta đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049, sau khi dự kiến chạm ngưỡng 100 triệu người trong tháng 4 này. Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào thời kỳ "dân số vàng", nếu không thay đổi chính sách dân số sẽ dẫn đến nguy cơ xói mòn dân số, bỏ lỡ các cơ hội phát triển trong tương lai.
Đặt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế
Việc duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương là mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới nhằm góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Điều này được cụ thể hóa bằng việc ngày 28-4-2020, Chính phủ ban hành Quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,2 con), thực hiện thành công chiến lược dân số quốc gia, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Quyết định 588 khuyến khích giới trẻ kết hôn sớm, sinh con sớm và sinh 2 con. Bên cạnh đó, cũng có những quy định về điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ; mở rộng tiếp cận đến dịch vụ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, như được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.
Chính phủ yêu cầu ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, không kết hôn muộn, sinh con vào lúc sức khỏe thể chất, trí tuệ sung mãn nhất (trước 30 tuổi) và người mẹ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... Bên cạnh đó, yêu cầu miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình cho các cặp vợ chồng sinh con; tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Thay vì "cào bằng" mức sinh của cả nước, quyết định này cũng đặt mục tiêu tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,2 con).
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thông tin và Dữ liệu dân số thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, với chủ trương bãi bỏ chính sách sinh ít con và khuyến khích sinh đủ 2 con, nhiều chuyên gia cho rằng việc này sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, thành phố, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cũng như ứng phó xu hướng già hóa dân số trong tương lai.
Tuổi thọ tăng nhanh nhưng số năm sống khỏe thấp
Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 (nam 71 tuổi, nữ 76 tuổi) và cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt hiện còn thấp, chỉ 64 tuổi.
Một vấn đề đáng lo ngại đó là tình trạng thừa nam thiếu nữ tại Việt Nam ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 bé trai/100 bé gái, trong khi mục tiêu được ngành dân số đặt ra là kéo giảm còn 111,4 bé trai/100 trẻ gái. Dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong giai đoạn 1989-2020, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Việt Nam đã tăng từ 24,4 vào năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Nam giới có xu hướng ngày càng kết hôn muộn hơn. Cá biệt một số thành phố lớn như TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30 tuổi. GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng xu hướng kết hôn muộn, ngại sinh cùng với nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, áp lực việc làm, tài chính và suy giảm sức khỏe sinh sản đang là những nguyên nhân kéo mức sinh đi xuống.
Hỗ trợ tiền mặt, nhà ở để người dân sinh đủ con
Hiện nay, công tác dân số không còn bó hẹp trong khuôn khổ kế hoạch hóa gia đình như xưa mà đã chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển. Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện pháp luật để giải quyết vấn đề dân số một cách toàn diện trong tình hình mới.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo này là cho phép các cặp vợ chồng được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đồng thời khuyến khích cặp vợ, chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp và hỗ trợ bằng tiền đối với phụ nữ sinh con thứ hai tại các địa phương này. Bên cạnh đó, hỗ trợ trẻ em được học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho các đối tượng khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Ngoài ra, các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở...
Nhiều chuyên gia dân số cho rằng dự thảo Luật Dân số đã tiếp cận ở một góc độ khá mới khi đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực để khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con. Ở các nước phát triển có mức sinh thấp cũng đang áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ vật chất, thậm chí cung cấp tiền nuôi dưỡng hằng tháng cho các gia đình đông con.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4
Kỳ tới: Bài học từ các nước: Tổng lực đẩy lui già hóa dân số
Bình luận (0)