Chỉ trong vài ngày mưa giông mà nhiều vùng ven biển, ven sông ở ĐBSCL tan hoang như bão quét. Những tuyến đường giao thông, những tuyến đê biển xung yếu cũng trở nên hết sức mong manh, hiểm họa sạt lở chực chờ ập xuống từng vùng dân cư ven biển, ven sông.
Lan rộng nhiều tỉnh
Mưa to, sóng lớn những ngày qua khiến cho tuyến đê biển Tây (tỉnh Cà Mau) bị đặt trong tình trạng báo động. Từ ngày 3-8, sóng biển bất ngờ dâng cao từ 2-4 m kết hợp với triều cường làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê này. Trong đó, đoạn đê bên trong kè tuyến Đá Bạc - Kinh Mới thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời sạt lở nghiêm trọng dài 356 m, có nguy cơ bị vỡ. Ngoài ra, còn có 4 điểm sạt lở dài 2.045 m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiểu Dừa (huyện U Minh) và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) dài 86 m cũng đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm. Tỉnh Cà Mau đã huy động 200 người từ các ban, ngành dùng 7.000 bao đất, đóng gia cố 2.500 cừ tràm xử lý được 150 m đê bị sạt lở nguy hiểm. Bên trong đất liền, sạt lở đất ven sông với chiều dài 195 m gây ngập 1.781 căn nhà, 471 bờ bao vuông tôm, 2.540 m đường giao thông nông thôn.
Lực lượng chức năng dồn sức cứu đê biển Tây ở Cà Mau Ảnh: DUY NHÂN
Tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), hàng loạt đoạn đê sông, đường đá bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa đến tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến sản xuất. Ước tính trên địa bàn tỉnh có hơn 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 40 km. Tại tỉnh Đồng Tháp, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu cũng xảy ra ở 6 huyện, thị xã, TP với chiều dài gần 16 km, diện tích hơn 20.000 m2.
Người dân sống ven đê biển thuộc 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây của huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) những ngày qua cũng sống trong lo sợ bởi đoạn đê dài hơn 4,2 km từ vàm Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy bất ngờ bị vỡ nhiều đoạn. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh) cho biết nhà ông vừa bị sóng biển ập vào cuốn trôi toàn bộ tài sản trị khoảng 500 triệu đồng. Gia đình ông Võ Phi Hùng (ngụ ấp Kim Quy B) khi đang tổ chức tiệc cưới cho con gái cũng bị sóng lớn cuốn trôi toàn bộ 27 mâm đồ ăn đãi khách ra biển.
Cầu cứu trung ương
Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, đê quốc phòng từ xã Vân Khánh đến Vân Khánh Tây có 17 đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, hai bên vàm Kim Quy bị sạt lở khoảng 400 m. Hiện còn khoảng 50 hộ dân sống trên đoạn đê này cần phải di dời trong thời gian sắp tới. "Lãnh đạo các địa phương đang nỗ lực vận động người dân di dời nhà cửa trước mùa mưa bão năm nay để bảo đảm tài sản, tính mạng. Tỉnh đã có chủ trương gia cố, nâng cấp tuyến đê quốc phòng qua xã Vân Khánh, Vân Khánh Tây. UBND huyện An Minh cũng đã bàn giao cho đơn vị thi công gia cố, nâng cấp đoạn đê bị sạt lở qua 2 xã này với tổng vốn khoảng 20 tỉ đồng" - ông Khanh cho biết.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, cho biết UBND tỉnh này đã xúc tiến việc giải ngân khoảng 15 tỉ đồng để khắc phục nhanh đoạn Kim Quy đến Tiểu Dừa. Hiện cả tuyến đê này có tổng chiều dài khoảng 4,2 km, trong đó đoạn bị sóng biển đánh đứt khoảng 300 m cùng với 16 điểm sạt lở cục bộ gần sát chân đê. Theo ông Trung, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vẫn đang theo dõi sát diễn biến thời tiết bất thường trên biển để sẵn sàng triển khai lực lượng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Trước tình hình sạt lở đang gia tăng, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện dự án "Khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở sông Tiền và đề xuất giải pháp chỉnh trị"; hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền với tổng kinh phí 90 tỉ đồng; hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án kè Hổ Cứ, xã Hòa An, TP Cao Lãnh (60 tỉ đồng) và xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để bố trí ổn định cho gần 2.500 hộ dân nằm trong vùng sạt lở (657 tỉ đồng)…
3 giải pháp hạn chế thiệt hại
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng khu vực ĐBSCL được phù sa, cát sông Mê Kông tải về và bồi đắp trong 6.000 năm qua. Trong quá trình bồi đắp, bồi luôn nhiều hơn lở, theo đó, ĐBSCL được bồi đắp lấn ra hướng biển Đông trung bình 16 m/năm và mở rộng theo hướng Cà Mau trung bình 26 m/năm.
Tuy nhiên, khoảng 25 năm nay, sạt lở ngày càng gia tăng. Đặc biệt, kể từ năm 2005, đường bờ biển ĐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng sạt lở, thụt lùi. Hiện hơn một nửa chiều dài bờ biển (khoảng 66%) đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50 m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ, diễn ra trên diện rộng và không còn bình thường. "Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở của vùng là sự thiếu cát, phù sa do các đập thủy điện chặn lại và do khai thác cát trên sông Mê Kông ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Theo số liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm" - ThS Thiện phân tích. Đối với bờ sông, khi bị thiếu phù sa, dòng nước sẽ bị nhẹ hơn, dẫn đến chảy mạnh (còn gọi là "nước đói"). Nước đói phù sa có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khai thác cát sẽ làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ.
Theo ông Thiện, để hạn chế thiệt hại, cần 3 giải pháp, gồm: Chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư, cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao; quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.
CA LINH
Bình luận (0)