Đây là đề xuất đáng chú ý của đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu thuộc đoàn Hà Nội ở buổi thảo luận tại tổ sáng 14-11. Theo ông Hiểu, có những công việc khi đến cơ quan làm chưa chắc hiệu quả cao hơn ở nhà, trong khi người lao động ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian và chi phí điện nước…
Ông Ngọ Duy Hiểu nhận xét đúng. Nhìn dưới góc độ quản trị, ý tưởng của ông là tiến bộ, tuy không mới. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay tại Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty có vốn FDI làm rồi, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử… Riêng khối hành chính, sự nghiệp thì hầu như chưa có.
Nhưng từ ý tưởng đến thực tiễn thường rất dài và rất gian truân. Phải đến khi nào hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là công nghệ thông tin, được phủ sóng hầu hết và con người vận hành phải được "công nghệ hóa" về cả tư duy lẫn kỹ năng thì mới có thể làm việc qua mạng. Tuy nhiên, cũng chỉ hy vọng ở những đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, thực hiện tại các đô thị chứ từ cấp huyện trở xuống thì bất khả.
Cả nước hiện có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi; 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi; 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi…, tin học hóa mạng lưới cơ quan hành chính này là chuyện thiên nan vạn nan. Mà cán bộ ở đây đều phải đi xuống bản, xuống sóc cả mấy ngày mới gặp được dân; nếu quy định chỉ đến nơi làm việc 1-2 lần/tuần, chắc họ khỏi đi làm cho khỏe!
Điều quan trọng nhất khiến đề xuất làm việc tại nhà trở nên chông chênh đó là cán bộ, công chức, viên chức ở ta tuy rất nhiều nhưng tinh thần tự giác rất ít. Bình thường, ở nhiều nơi, việc đã rất "hẻo", thậm chí chẳng có việc để làm, công chức "sớm cắp ô đi, tối cắp về" cốt để điểm danh, để chấm công ăn lương. Cho làm việc tại gia, chỉ đến công sở 1-2 lần/tuần thì có khác nào giúp họ ăn không ngồi rồi mà vẫn lương đầy bổng đủ.
Ngay cả khi cán bộ, công chức, viên chức phải đi làm đủ 8 giờ/ngày, gần 7 ngày/tuần mà người dân đến công sở còn không gặp mặt được để giải quyết công việc do họ đi nhậu hoặc ăn cắp giờ công để làm việc tư. Ở cơ quan giao việc rồi ép… như ép mía, có người giám sát hẳn hoi mà còn không làm hoặc làm qua loa chiếu lệ thì thử hỏi khi cho làm ở nhà đến gần 5 ngày/tuần thì việc công bê trễ cỡ nào. Không thúc được cán bộ làm việc thì đừng tạo điều kiện cho họ… làm biếng!
Chỉ khi nào giao việc cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức và giám sát, đánh giá được hiệu quả qua số lượng và chất lượng phần việc đã hoàn thành thì năng suất lao động mới tiến sát thực chất. Từ đó, ý tưởng làm việc qua mạng thay vì đến công sở mới có cơ may thành hiện thực. Làm được hay không, tất cả đều do con người quyết định. Nhưng người trong cuộc không muốn thay đổi thì cũng như không.
Cho nên, cụ Hoàng Ngọc Hiến từng than thở "cái nước mình nó thế", cũng phải!
Bình luận (0)