xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo xung lực cho miền Trung cất cánh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều giải pháp đã và đang được Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, có giải pháp đột phá để kinh tế miền Trung phát triển tương xứng với tiềm năng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Đức Trung đánh giá 6 tháng đầu năm, các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế của các địa phương miền Trung đều đạt theo kế hoạch, cao hơn mức trung bình của cả nước. Đây là tiền đề để hướng đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và đưa ra kế hoạch phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Thiếu sự liên kết

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra rằng động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh thuộc vùng kinh tế miền Trung, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Xuất khẩu tăng cao nhưng chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, chủ yếu nhập siêu...

Bên cạnh đó, tuy nền kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên có bước tăng trưởng khá nhưng quy mô từng địa phương còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Kinh tế biển không tạo được bước đột phá, chưa hình thành các lĩnh vực dịch vụ hiện đại. Sản xuất công nghiệp chưa có nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp chủ lực và các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng hạ tầng giao thông của các địa phương của miền Trung về cơ bản thuận lợi khi có lợi thế về đường sắt, đường thủy, hàng không với 9 sân bay nhưng sự liên kết với vùng Tây Nguyên chưa thực hiện được. Tuyến ven biển kết nối các tỉnh và vùng biển miền Trung cùng các tuyến ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng không đáp ứng được yêu cầu, thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, ít có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất kinh doanh.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết điều ông trăn trở là phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua chưa thật sự bền vững. Khu Kinh tế (KKT) Nhơn Hội chưa thu hút được doanh nghiệp có năng lực để triển khai dự án quy mô lớn, làm "đầu tàu" tạo đột phá để phát triển công nghiệp của tỉnh.

Còn theo kiến trúc sư Bùi Huy Trí, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Đà Nẵng khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến cạn kiệt quỹ đất dự trữ phát triển; nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng nhưng công nghiệp, dịch vụ chưa tạo được những đột phá đáng kể. Trong khi đó, kinh tế đô thị còn khá yếu; quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, không tạo ra một cấu trúc đô thị có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn... "Những hạn chế đó khiến Đà Nẵng chưa thể khẳng định được vai trò đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" - kiến trúc sư Bùi Huy Trí nhấn mạnh.

Tạo xung lực cho miền Trung cất cánh - Ảnh 1.

Tàu nước ngoài đang nhận hàng tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TỬ TRỰC

Khu kinh tế là động lực phát triển

Trước những khó khăn, vướng mắc, bất cập hơn nửa chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung (giai đoạn 2016 - 2020), Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương đang tập trung tháo gỡ, có giải pháp đột phá để phát triển kinh tế miền Trung.

Các giải pháp đó là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững; chuyển đổi các mô hình sản xuất trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đẩy nhanh tiến độ thu hút và triển khai các dự án PPP đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng, các KKT, khu du lịch trọng điểm...

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi diện mạo và tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam là KKT mở Chu Lai. Các khu chức năng trong KKT này đã được triển khai đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển; hạ tầng các KCN đã được đầu tư; thu hút được nhiều dự án lớn.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Nam cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định KKT mở Chu Lai chính là động lực đưa Quảng Nam phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sự chuyển mình này vẫn chưa thực sự tương xứng với các giá trị tự nhiên về địa chiến lược trên bản đồ khu vực và thế giới. "Chu Lai chứa đựng nhiều yếu tố then chốt để thiết lập những mô hình kinh doanh lớn và hiệu quả. Chẳng hạn, quy mô diện tích tự nhiên, khả năng thiết lập các hạ tầng kết nối chiến lược, hệ thống logistics, cảng nước sâu, liền kề với KKT Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), quỹ đất dự trữ cho việc quy hoạch một sân bay lớn nhất nước và đặc biệt là tiềm năng hấp dẫn du lịch độc đáo" - Thủ tướng gợi ý.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tìm cách tháo những nút thắt để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng một trong những thế mạnh công nghiệp của Quảng Ngãi thời gian qua là ngành lọc hóa dầu với dự án động lực là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện tại KKT Dung Quất với diện tích 45.000 ha, hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư hoàn thiện. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển KKT này để trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo quy hoạch chung KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo. Đến năm 2030, KKT Vân Phong phải trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thực hiện mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Hữu Nghị, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý KKT Vân Phong, khẳng định đơn vị này đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư, như miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế...

Xây dựng các "cứ điểm" sản xuất nông - công nghiệp

TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trưởng Nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung - nhận định vùng duyên hải miền Trung phải tạo ra bước đột phá về thu hút đầu tư cho các ngành công nghiệp chế biến, tạo sức lan tỏa nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và phát triển nông thôn. Cần xây dựng các "cứ điểm" sản xuất nông - công nghiệp, lấy công nghiệp chế biến làm nền tảng để quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm- ngư nghiệp. Nếu miền Trung chậm phát triển công nghiệp sẽ khó kiềm chế xu hướng di chuyển lao động trẻ đến 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, làm gia tăng nguy cơ thiếu lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, du lịch cần tập trung bứt phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành kinh tế tổng hợp nên cần có sự phối hợp đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động trên cả 4 lĩnh vực: lưu trú, dịch vụ hưởng thụ, ẩm thực và mua sắm...

T.Phương

Kỳ tới: Bệ phóng du lịch, hàng không

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo