. Phóng viên: Dưới góc độ của người quan sát, theo dõi nhiều năm về Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, vùng đất này đang thay da đổi thịt nhưng tại sao vẫn chưa phát triển tương xứng như kỳ vọng?
TS TRẦN DU LỊCH
- TS TRẦN DU LỊCH: Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) được xác định có vai trò then chốt về kinh tế biển, an ninh quốc phòng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời, có vị trí quan trọng để trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mê Kông lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, dù từ lâu đã xác định không gian vùng KTTĐ nhưng đến nay khu vực này vẫn phát triển theo tư duy kinh tế địa phương và xuất hiện xung đột lợi ích giữa địa phương và toàn vùng. Cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được chế định nhưng chưa hiệu quả. Tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khá tương đồng; các ngành kinh tế chủ lực có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân). Chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh nhằm tạo sức lan tỏa chung cho cả vùng…
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng cần sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để chuyển công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan TP. Trong ảnh: Xếp dỡ container tại cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng). Ảnh: BÍCH VÂN
. Vậy theo ông, cần cơ chế, chính sách nào có thể tạo động lực thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh của vùng để phát triển nhanh và bền vững?
- Kinh tế nước ta đã có dấu hiệu đổi chiều: từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, đang mở ra thời cơ tạo bước đột phá mới. Kinh tế Việt Nam đang kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%/năm cho giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2035, GDP/người, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt khoảng 18.000 USD.
Trong bối cảnh này, để Vùng KTTĐ miền Trung phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của cả nước, trong 15-20 năm tới, cần có một quyết tâm chính trị cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ" để có thể biến vùng đất nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành những địa phương phồn vinh. Cần huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%-10%/năm và đến năm 2035. Đặc biệt, cần tạo bước đột phá đối với 5 trụ cột kinh tế: Dịch vụ du lịch và các hoạt động gắn với du lịch; cảng biển gắn với logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác các khu kinh tế và khu công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; phát triển đô thị ven biển, gắn với quá trình đô thị hóa. 15 năm tới là cơ hội, nếu bỏ qua, miền Trung sẽ là địa bàn rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" sớm nhất.
. Để có tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ", theo ông, miền Trung cần tập trung vào những lợi thế nào?
- Cần vận dụng có hiệu quả chính sách trong chiến lược kinh tế biển để khai thác 5 trụ cột kinh tế như 5 lợi thế phát triển. Cần cụ thể hóa việc thực thi chiến lược kinh tế biển trên địa bàn vùng bằng việc ưu tiên xây dựng 4 chương trình mục tiêu trên quy mô vùng, như chương trình phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp.
Phải thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là ngành công nghiệp dựa trên lợi thế nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp. Phát triển chương trình cảng biển gắn với logistics bởi lợi thế cảng biển sẽ thúc đẩy KCN, khu kinh tế và là dư địa để miền Trung đẩy nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, khai thác ưu thế về cảng biển. Chương trình phát triển nguồn nhân lực của vùng và xây dựng thị trường lao động chung cũng cần được quan tâm đúng mức.
. Theo ông, điểm mạnh nhất của vùng này là gì, làm sao để khơi dậy điểm mạnh đó?
- Như tôi đã nói, 5 trụ cột kinh tế cần khai thác chính là lợi thế của kinh tế biển và ven biển. Về mặt địa kinh tế, Việt Nam là mặt tiền hướng ra đại dương, Vùng KTTĐ miền Trung là "mặt tiền của mặt tiền". Lợi thế này không nơi nào trong khu vực có được. Việc chương trình hóa các mục tiêu phát triển dựa vào các lợi thế theo tinh thần "chiến lược kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", chính là cách biến tiềm năng thành hiện thực. Chìa khóa là tạo lập hệ sinh thái khả dĩ thu hút làn sóng đầu tư tư nhân đang còn quá khiêm tốn.
. Có vẻ như thời gian qua, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, làm ăn ở khu vực này chưa tạo ra sự đột phá, hấp dẫn?
- Lâu nay, chính sách ưu đãi cho các địa bàn khó khăn như miền Trung thường được tập trung về giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ dựa vào 2 ưu đãi này, không thể tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội mà cần cải thiện tích cực 3 nhân tố: Chính sách, thể chế; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hiện chưa có sự phát triển theo hướng liên kết nhằm chuyển thế mạnh kinh tế từng địa phương sang khai thác lợi thế toàn vùng theo quy hoạch.
Trong 5 năm tới, cần ưu tiên phát triển các công trình hạ tầng giao thông như khuyến khích các địa phương thông qua cơ chế tự huy động nguồn vốn từ quỹ đất đô thị hóa để xây dựng và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển, xây dựng hệ thống giao thông gắn với các cảng biển, sân bay quốc tế thành hệ thống logistics của vùng.
Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung
Hôm nay (20-8), tại Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng với sự tham dự của các phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành.
Hội nghị hướng đến mục tiêu phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, trở thành vùng động lực của cả nước.
Cũng tại hội nghị, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Bình Định trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định. Mục đích trao cờ nhằm góp phần tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đồng thời động viên, tiếp thêm tinh thần cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển.
T.Trực
Ông HỒ QUỐC DŨNG, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
Phát huy lợi thế cửa ngõ hướng biển
Kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định phát triển khá ổn định trong 3 năm gần đây. Giai đoạn 2016-2018, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,87% (năm 2018 là 7,32%); thu ngân sách với tốc độ tăng hằng năm là 15,5%. Toàn tỉnh có 79 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 724 triệu USD; 281 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký trên 71.690 tỉ đồng. Hiện hàng hóa của tỉnh xuất khẩu sang 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lượng du khách đến Bình Định năm 2018 đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 10,6% so với năm 2017...
Tuy kinh tế có khởi sắc nhưng tỉnh vẫn còn một số hạn chế như xuất phát điểm về kinh tế thấp, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ đạt ở mức trung bình của cả nước, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Bình Định nằm trong vùng thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển. Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19 với sân bay, cảng biển, Khu Kinh tế Nhơn Hội và các KCN chưa hoàn thiện, đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm; chưa thu hút được các dự án có quy mô đầu tư lớn, nhất là các dự án công nghiệp để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và tự chủ về ngân sách cho tỉnh...
Để khắc phục những hạn chế trên, Bình Định đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đặc biệt là tìm hướng đi có tính đột phá phát triển dịch vụ cảng biển, logistics trên cơ sở phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên. Bình Định cũng đang tiến hành xây dựng hoàn thiện khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI)… Đồng thời, sẽ đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng để phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội; bổ sung những gì địa phương còn thiếu.
A.Tú ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-8
Bình luận (0)