Ngày 30-12, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm BSH xác nhận đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã tiếp nhận 6 hồ sơ của ngư dân Bình Định đề nghị bán bảo hiểm thân vỏ cho tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67. Trong số này có 1 tàu đã được BSH Trung Trung Bộ cấp bảo hiểm.
"Trong số các hồ sơ đề nghị công ty chúng tôi bán bảo hiểm cho tàu cá, có tàu đã hết hạn bảo hiểm từ nhiều tháng qua và cũng có tàu chưa hết hạn bảo hiểm. Nhiều chủ tàu cá mua bảo hiểm trước thời hạn là vì lo thời gian tới không mua được, tàu sẽ phải nằm bờ như nhiều tàu cá trước đó" - ông Tuấn cho biết.
Ông Trần Thanh Hùng (ngụ xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99759-TS, cho biết do không mua được bảo hiểm nên tàu của ông phải nằm bờ từ tháng 4 đến nay. Vừa qua, tàu của ông được Công ty Bảo hiểm BSH bán bảo hiểm nên dự kiến sẽ quay lại biển trong vài ngày tới.
"Vì tàu của gia đình tôi thế chấp vay ngân hàng nên khi hết hạn bảo hiểm, phía ngân hàng không cho ra khơi. Trong khi đó, trước khi mua được bảo hiểm của BSH Trung Trung Bộ, các doanh nghiệp khác không chịu bán bảo hiểm nên tàu cá phải nằm bờ trong thời gian dài" - ông Hùng lý giải.
Nhiều tàu cá vỏ thép ở Bình Định vẫn còn nằm bờ vì không mua được bảo hiểm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, do không mua được bảo hiểm thân vỏ nên từ tháng 4 đến nay, địa phương có 28 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 phải nằm bờ. Trước đó, tháng 8-2019, Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO) được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân Bình Định. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, vì trong thời gian ngắn trên địa bàn Bình Định xảy ra nhiều vụ chìm tàu bất thường nên PJICO dừng bán bảo hiểm cho tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định, giải thích theo quy định đối với tàu cá được đóng theo Nghị định 67, các chủ tàu phải cam kết mua đầy đủ bảo hiểm mới được hoạt động. Tàu vỏ thép là tài sản hình thành từ vốn vay, ngân hàng không cho tàu ra khơi khi không có bảo hiểm, bởi nếu gặp rủi ro trên biển, ngân hàng sẽ không thu hồi được giá trị con tàu.
Ông Trần Văn Phúc, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết Luật Thủy sản không bắt buộc ngư dân mua bảo hiểm tàu cá mà chỉ bắt buộc mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Tuy nhiên, tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 là tài sản hình thành từ vốn vay nên ngân hàng không cho các tàu này ra khơi khi không có bảo hiểm. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khác để đặt vấn đề bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.
Bình luận (0)