Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động cùng Huyện Đoàn Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã đến thăm hỏi, tri ân gia đình liệt sĩ Thiếu tá Hoàng Trung (SN 1981; cán bộ Công an xã Ea Ktur) và Đại uý Hà Tuấn Anh (SN 1991; cán bộ Công an xã Ea Tiêu).
Thiếu tá Hoàng Trung, Đại úy Hà Tuấn Anh hy sinh trong vụ nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur.
Đêm xảy ra vụ việc, các anh là 2 trong số những cán bộ túc trực ở trụ sở, cần mẫn, thầm lặng vì công việc, bảo vệ bình yên cho nhân dân địa phương.
Chúng tôi đến nhà liệt sĩ Hoàng Trung khi những mái nhà bình yên đã bập bùng bếp lửa chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Qua những con đường đất đỏ quanh co, căn nhà cấp 4 của vợ chồng liệt sĩ Hoàng Trung nằm khiêm nhường, lặng lẽ.
Đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ
Bàn thờ liệt sĩ được đặt trang trọng giữa nhà. Mùi khói hương làm cay mắt. Chị Trần Thị Sen (SN 1983) – vợ liệt sĩ, ôm ghì chiếc áo của chồng trong lòng. Nói cùng nước mắt, chị trách anh sao vắng nhà lâu quá, chị trách anh sao để vợ và hai con nhớ thương nhiều...
Vợ chồng liệt sĩ Hoàng Trung có 2 con, con trai lớn vừa học xong lớp 10. Cậu bé điềm tĩnh, nhỏ nhẹ được đánh giá rất giống cha.
Tâm sự với đoàn chúng tôi, con trai của liệt sĩ Hoàng Trung hứa: "Em sẽ mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, thay bố trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà, cho mẹ và em gái. Sau này, em cũng muốn sống cống hiến và hết lòng phụng sự Tổ quốc như bố và đồng đội của bố".
Thăm hỏi, động viên gia đình liệt sĩ Đại uý Hà Tuấn Anh
Tại nhà liệt sĩ Đại uý Hà Tuấn Anh, chúng tôi gặp cha ruột, vợ và con gái nhỏ 4 tuổi của liệt sĩ. Thắp nén hương tưởng nhớ liệt sĩ, đoàn bày tỏ lòng tiếc thương trước đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi cho những người thân ở lại.
Thăm hỏi, động viên gia đình liệt sĩ Thiếu tá Hoàng Trung
Tâm sự với đoàn công tác, cha của liệt sĩ Hà Tuấn Anh tự hào kể về những ngày đầu con trai phục vụ trong ngành Công an khi anh mới 18 tuổi.
"Tuấn Anh học giỏi lắm! Đến khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Tuấn Anh xung phong đi nghĩa vụ công an. Sau 18 tháng phục vụ quân ngũ, Tuấn Anh tiếp tục đi thi rồi đậu đại học và phục vụ cho ngành công an đến ngày hy sinh" – cha liệt sĩ Hà Tuấn Anh chia sẻ.
Trong ký ức của người cha, luôn hiện lên hình ảnh cậu con trai ngoan, giỏi giang, hết lòng với cả công việc lẫn lao động sản xuất tại gia đình. Chỉ vào chiếc xe kéo để ở góc sân, ông kể với chúng tôi: "Hôm nào về nhà sớm, cởi bộ quân phục ra, Tuấn Anh lại mặc áo phông, quần đùi lấy xe kéo chở phân lên rẫy cà phê, chở cỏ cho dê. Em nó cứ làm suốt ngày như thế!" – vừa nhìn xa xăm, người cha vừa kể.
Không khí đang chùng xuống thì bất chợt vang lên giọng nói của cô con gái nhỏ: "Mẹ ơi, em đói bụng". Câu nói hồn nhiên của đứa trẻ khiến những người lớn lặng lòng xót xa.
Trong ký ức của cô bé 4 tuổi, bố là người yêu thương em hết mực. Trước đêm xảy ra vụ việc, bố đã hứa sẽ đưa em đi khám bệnh vào ngày hôm sau.
Đêm hôm đó, liệt sĩ Hà Tuấn Anh là một trong những người trực ở trụ sở để cấp căn cước công dân cho người dân.
Tin dữ về lúc sáng sớm, chị Phạm Thị Như Phương (SN 1993) - vợ liệt sĩ, ôm con chết lặng. Hơn 40 ngày qua như cơn ác mộng mà lúc nào chị cũng mong được tỉnh giấc.
"Những ngày qua, gia đình nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, nhất là lực lượng Công an nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Đó là sự động viên, an ủi rất lớn đối với gia đình. Tôi và gia đình vô cùng cảm kích, trân trọng và khắc ghi sâu sắc tình cảm này" – chị Phương nói.
Bình luận (0)