Những nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam được ghi nhận qua bản xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017 do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố. Dù vậy, giới chuyên môn cho rằng công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam còn rất nhiều cam go.
Buộc phải "sống chung"
Theo công bố của TI, chỉ số CPI của Việt Nam tăng nhẹ trong 2 năm liên tiếp (2016 và 2017), đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cho rằng việc tăng nhẹ điểm CPI trong 2 năm qua là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn bị coi là rất nghiêm trọng.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), đánh giá chỉ số xếp hạng và nhận định trên của TI phản ánh đúng vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam. Ông Giang dẫn chứng thêm: "Năm 2016, chúng tôi đã công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi "lót tay" cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến". Theo ông Giang, mỗi người dân đều trải nghiệm vấn đề tham nhũng ở khu vực công khi đến cơ quan hành chính, khi vào bệnh viện hay trường học.
Thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong phòng chống tham nhũng gắn với cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Bên cạnh đánh giá về tham nhũng ở khu vực công, TI cũng đề cập đến thực trạng tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp (DN). Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói chuyện vòi vĩnh, đòi "bôi trơn", "lót tay" còn khá phổ biến, nhiều trường hợp diễn ra rất trắng trợn. Đối với DN, họ coi đây là "tham nhũng vặt", buộc phải chấp nhận chứ không thể tránh khỏi được. "Những DN nào chấp nhận bôi trơn, bỏ tiền vào bôi trơn thì dành được dự án, được thuận lợi trong công việc" - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, đáng lo ngại là hiện nay, quyền đang nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ công chức. Vấn đề "cho hay không cho", phân bổ nguồn lực đang bị chi phối bởi thực trạng "bôi trơn". DN có năng lực tốt cần được dành nguồn lực (đất đai, nguồn vốn...) để phát triển nhưng lại dễ dàng rơi vào tay những DN chấp nhận chi tiền "bôi trơn" nhiều nhất, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Doanh nghiệp cần chủ động chống tham nhũng
Liên quan đến phòng chống tham nhũng, báo cáo "Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN" ở 30 DN lớn năm 2017 do TI tại Việt Nam thực hiện, cho thấy chỉ có 4/30 DN công khai cam kết của lãnh đạo DN ủng hộ phòng chống tham nhũng. Các DN FDI có điểm số tốt nhất trong cuộc khảo sát này.
Từ thực trạng trên, TI Việt Nam khuyến nghị DN trong nước cần phải cần chủ động tham gia phòng chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để DN phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực phòng chống tham nhũng nội bộ, đặc biệt đối với các DN nhà nước, bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình phòng chống tham nhũng của DN trên các trang thông tin điện tử.
Bình luận về khuyến nghị này, chuyên gia nghiên cứu phát triển Đặng Hoàng Giang nhận định trong bối cảnh chung, việc công khai và cam kết phòng chống tham nhũng đối với DN trong nước là rất khó. Cũng cho rằng vì lý do trên, theo bà Phạm Chi Lan, thực tế ở Việt Nam rất ít DN chủ động tham gia phòng chống tham nhũng. Bà Lan đề xuất các DN cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề này, nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cải thiện môi trường đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế để DN chủ động tham gia, cam kết mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng. Về khuyến nghị này, mới đây, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của luật đối với một số loại hình tổ chức xã hội, DN để phù hợp với thông lệ quốc tế và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính.
Tiếp tục "soi" tham nhũng khu vực công
TS Đặng Hoàng Giang cho biết dự kiến đầu tháng 4-2018 tới đây, CECODES tiếp tục phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và các cơ quan thẩm quyền công bố chỉ số PAPI năm 2017. Các vấn đề khảo sát vẫn tập trung vào nội dung tham nhũng ở khu vực công, như vòi vĩnh đòi "lót tay" khi làm thủ tục hành chính; sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân; nhận "lót tay" trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công... Phạm vi khảo sát được tiến hành ở 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Bình luận (0)