Chúng tôi đã đi dọc dài hơn 1.000 km đường biên giới phía Bắc của Tổ quốc, từ Nghĩa trang Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang với trên 1.700 ngôi mộ liệt sĩ đến những tấm bia tưởng niệm chỉ khắc tên và ngày tháng các anh hy sinh được dựng lên dọc đường.
Bia đá lưu danh
Trên con đường phên giậu ấy, chúng tôi đã vào hàng chục nghĩa trang liệt sĩ viếng và thắp hương. Bên những tấm bia mộ ghi đầy đủ tên tuổi liệt sĩ, quê quán, ngày hy sinh cũng có rất nhiều ngôi mộ chỉ đề dòng chữ "liệt sĩ đặc công", "liệt sĩ chưa biết tên". Trong hàng ngàn người đã ngã xuống, nhiều anh chị tuổi mới mười bảy - đôi mươi.
Ở Đồn Biên phòng (ĐBP) Pò Hèn (Quảng Ninh), thấy chúng tôi chăm chú quan sát tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: "Tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn, tháng 12-1978" treo trang trọng nơi phòng khách, cựu binh Hoàng Như Lý nghẹn ngào: "Bức ảnh này chụp vào dịp anh em liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, ngày 17-2, hầu hết đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ biên cương của Tổ quốc".
Dẫn chúng tôi lên thắp hương cho đồng đội của mình tại ĐBP Pò Hèn, ông Lý chỉ rõ những vị trí chiến đấu, giao thông hào năm xưa. Ngay tại nơi này, 40 năm trước, 45 đồng đội của ông đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Máu đào của các anh, các chị đã thấm vào từng thớ đất, ngọn cỏ, nhành cây ở vùng biên ải này.
Lực lượng biên phòng Việt Nam tuần tra song phương với biên phòng Trung Quốc (Ảnh do Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng cung cấp)
Một đài tưởng niệm các liệt sĩ biên phòng đã được dựng lên. Hai bên là hai nhà bia, trong đó tấm bia lớn khắc tên tuổi 86 liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Pò Hèn - riêng ngày 17-2-1979 là 73 người.
Phóng tầm mắt xa xa, ông Lý chỉ một quả đồi, kể: "Đó là Đồi Quế, nơi có tổ hỏa lực với 7 chiến sĩ trấn giữ để bảo vệ ĐBP Pò Hèn. Các anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh".
Ông Lý cũng chỉ cho chúng tôi từng tên đồng đội của mình trên tấm bia đá lưu danh. Trên bia, chúng tôi thấy khá nhiều liệt sĩ tuổi đời chỉ xấp xỉ đôi mươi.
Không thể lãng quên
Theo cựu binh Nguyễn Văn Bình, nhìn những quả đồi quanh khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn) ngày nay với cây xanh phủ kín rất thanh bình, khó ai hình dung vào tháng 2-1979 nơi đây khốc liệt đến dường nào. Đạn pháo Trung Quốc (TQ) bắn phá tan tành tất cả.
"Lịch sử của dân tộc dù có đau thương hay hào hùng thì cũng chẳng ai quên được và cũng không được phép lãng quên. Nhưng nay đã hòa bình, chúng ta sống với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới hữu nghị và hợp tác để cùng phát triển" - ông Bình bày tỏ.
Ông Đào Nguyên An, nguyên Giám đốc Nông trường Chăn nuôi heo tỉnh Cao Bằng giai đoạn 1976 - 2016 (nơi có 40 nhân công trại heo Đức Chính bị quân TQ giết hại ở Tổng Chúp năm 1979), cho biết trước khi quân TQ tấn công, ở Cao Bằng cũng như dọc các tỉnh biên giới, người dân hai nước vẫn giao lưu, qua lại bình thường. "Người dân lúc ấy không ai nghĩ cuộc chiến 1979 lại xảy ra… Không ai quên quá khứ cả. Nhưng nay, chúng ta cần cùng nhau hợp tác hữu nghị để phát triển kinh tế" - ông nói.
Thượng tá Vương Quang Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) - cho rằng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và người dân nơi đây luôn khắc ghi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 40 năm trước. Ông xúc động: "Chỉ trong ngày 17-2, 36 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh… Nay, chúng tôi lại tiếp bước cha anh, vững vàng nơi biên cương để gìn giữ vững chắc phên giậu của Tổ quốc".
Hội ngộ sau 40 năm
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tại Hà Nội ngày 23-1, cuộc gặp mặt 238 người có công tiêu biểu đã được tổ chức.
Tại buổi gặp mặt, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc. "Đảng, nhà nước và nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh" - ông khẳng định.
Nhiều người lính bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa đã có dịp hội ngộ vào hôm đó, có người phải ngồi xe lăn hay chống nạng. Nhạc sĩ Trương Quý Hải, người từng tham gia chiến đấu trong Sư đoàn 356 tại Mặt trận Vị Xuyên, bước ra sân khấu ôm đàn hát "Về đây đồng đội ơi" đầy xúc động. Đây là ca khúc do chính ông sáng tác tặng đồng đội đã hy sinh ở Mặt trận Vị Xuyên: "… Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình…".
Nhạc sĩ Trương Quý Hải còn trình bày ca khúc "Hát cho người còn sống", cũng do ông sáng tác, đầy day dứt. Cả hội trường mắt ai cũng đỏ hoe, nhiều người nước mắt tuôn rơi. "Biên cương đã sạch bóng thù/ Đồng đội ơi còn sống về đi/ Trở về mái ấm quê hương/ Tiện đường ghé thăm nhà tôi…".
Đám cưới đặc biệt
Một ngày giáp Tết Kỷ Hợi vừa qua, một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức tại nhà ông Đinh Ngọc Tinh ở khu Đức Chính, xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng. Mẹ ông Tinh đã bị quân TQ giết hại năm 1979 tại Tổng Chúp. Nay, con gái út của ông lấy chồng là người TQ.
Đám cưới con gái ông Đinh Ngọc Tinh, chú rể là người Trung Quốc Ảnh: Giang Huy
Ông Tinh cho biết ông vẫn thường kể cho con gái nghe về chuyện bà nội năm xưa. "Với mình, những ký ức năm nào hay nỗi đau mất mẹ thì chẳng bao giờ nguôi ngoai. Nhưng giờ đã hòa bình, hữu nghị, vì hạnh phúc của bọn trẻ, mình gác lại quá khứ thôi. Người dân hai bên biên giới bao đời nay vẫn luôn mong mỏi sống hữu nghị với nhau và yên ổn làm ăn" - ông bày tỏ.
Bình luận (0)