xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháng tư Sài Gòn năm ấy

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Chúng tôi đạp xe theo đoàn người, đến công viên trước Dinh Độc Lập thì thấy chiếc cổng đã bị xe tăng quân giải phóng ủi sập. Lúc ấy là 12 giờ trưa 30-4-1975. Tôi nói với người bạn: "Mình sắp được về quê rồi"

Tháng 4 này, tôi quay lại TP HCM, lang thang qua vài con phố cũ và nhớ lại một Sài Gòn thuở mình còn là sinh viên từ miền Trung vào trọ học.

Tháng tư Sài Gòn năm ấy - Ảnh 1.

48 năm sau ngày giải phóng, TP HCM đã trở thành đầu tàu phát triển của cả nước Ảnh: TẤN THẠNH

***

Sáng 8-4-1975. Tôi trên đường từ nhà trọ đến Trường Luật sau khi ở Đà Lạt trở về Sài Gòn, nghe nhiều người nhốn nháo: "Hình như Dinh Độc Lập bị ném bom!".

Tôi dừng xe máy, nhìn về phía đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Một cột khói đang bốc lên cao. Tiếp theo là những hồi còi báo động hú vang và xe cảnh sát xuất hiện, cấm mọi sự di chuyển về hướng đó.

Tôi tìm đường đến ngã sáu Lê Văn Duyệt (nay là Công trường Dân Chủ), thấy người ta tụm năm tụm ba bàn tán. Họ bị quân cảnh giải tán, liền kéo nhau vào đầu hẻm.

"Dinh Độc Lập bị ném bom thì đã rõ, nhưng ai ném? Phe đảo chính hay Việt cộng? Máy bay F5 của phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thì không thể là Việt cộng được" - một tay lính còn mặc quân phục không quân, là người thuê nhà trọ trong xóm tôi ở, băn khoăn.

Tối ấy, tôi mở đài truyền hình nghe tin tức, rồi sáng hôm sau ghé quầy báo đọc, mới biết vụ ném bom này do một trung úy phi công VNCH "làm phản". Vụ ném bom chỉ làm sụp đổ vài công trình xây dựng trong dinh...

Chính trị miền Nam và chiến trường từ tháng 3-1975 có nhiều chuyển biến. Quân giải phóng đã kiểm soát Huế, Đà Nẵng, Chu Lai sau khi giành các thắng lợi ở Tây Nguyên.

Gia đình người cô ruột của tôi ở Buôn Ma Thuột và cả gia đình tôi ở Đà Nẵng đều không liên lạc được. Bọn sinh viên xa nhà như chúng tôi hằng tháng phải sống bằng tiền gửi từ gia đình, nay hầu như vô vọng. Có đứa bắt đầu mang máy cassette, xe máy đi cầm.

Bà chủ nhà trọ biết hoàn cảnh chúng tôi, không nhắc trả tiền như thường lệ. Nghe nói có một tổ chức đến các trường cứu trợ sinh viên miền Trung, các bạn tôi liền mang thẻ sinh viên đến trường ghi tên.

Tôi có hai người bạn cùng quê là Q. và T., rớt tú tài, bị "động viên" đã vào Thủ Đức và về các mặt trận ở miền Tây. Bất ngờ Q. và T. xuất hiện ở khu nhà trọ chúng tôi từ ngày 20-4-1975. Họ đào ngũ. Bọn tôi tìm quần áo dân sự cho họ mặc và không cho ra đường, sợ bị quân cảnh bắt.

***

Giữa tháng 4-1975, tôi và các bạn cùng lớp được đưa đến một trung tâm ở Vũng Tàu, lo việc làm thủ tục tiếp đón những người từ miền Trung vào theo đường tàu thủy. Gia đình bao nhiêu người, có cụ già hay em nhỏ nào không; quê ở xã, huyện, tỉnh nào; ai là người đại diện... - chúng tôi ghi tờ khai rồi chuyển họ đến các khu nhà ở theo sơ đồ.

Mục đích của tôi khá rõ: Mong tìm được người cùng quê nào đó để hỏi thăm tin tức gia đình, hỏi thăm Đà Nẵng sau hơn nửa tháng giải phóng bây giờ ra sao? Nhưng tôi chẳng gặp ai, không có tin tức gì.

Chiều 21-4, tôi nghe tin quân giải phóng tấn công phòng tuyến Xuân Lộc, cửa ngõ phòng thủ quan trọng của quân đội VNCH.

Ở Vũng Tàu, lính thủy quân lục chiến, do tàu hải quân từ Đà Nẵng chuyển vào, nằm ngồi la liệt chờ quân xa đến đưa đi. Không khí chiến tranh đã tràn đến thành phố du lịch gần Sài Gòn nhất!

Đêm ấy, bọn sinh viên chúng tôi thức trắng, ngồi nghe ngóng tình hình. Đạn bom phía Xuân Lộc rền vang, sáng rực một góc trời, chỉ cách mấy chục cây số thôi. Mấy đoàn cứu trợ bàn nhau chờ đến sáng để quay về Sài Gòn ngay.

Sáng hôm sau, các đoàn cứu trợ bỏ đi rất sớm, vài bạn tôi xin theo. Toán sinh viên coi như tự động giải tán. Tôi và nhiều sinh viên đón xe đò (lúc ấy đã chật ních) phóng về Sài Gòn - nơi có bạn bè, người yêu đang chờ và lo lắng.

Một người bạn tôi, quê Phan Rang, đã bị té khi nhảy xe và tử vong. Vũng Tàu bắt đầu hoảng loạn từ lúc ấy.

Tôi về tới khu nhà trọ ở Sài Gòn khi trời gần tối. Mấy bạn sinh viên đang lo lắng và chờ tôi về hết sức mừng rỡ. Hai người bạn đào ngũ vẫn ở phòng trọ của tôi, mặt mày lo lắng. Một người nói: "Vậy là tiêu rồi!".

Cũng trong đêm Xuân Lộc thất thủ ấy, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên tivi đọc một diễn văn dài, chửi Mỹ không giữ lời hứa, cắt viện trợ, khiến quân đội VNCH thiếu vũ khí, xuống tinh thần… Ông ta xin từ chức "để ra mặt trận", nhường quyền cho phó tổng thống.

Đêm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Sài Gòn siết chặt lệnh giới nghiêm. Bạn học tôi trọ phía Phú Lâm khi đạp xe về nhà lúc 22 giờ đã bị quân cảnh chặn lại, lục soát khắp người, xem thẻ sinh viên rồi mới cho đi, còn dặn: "Đêm cứ ở yên trong nhà. Ra đường nữa là bắt nhốt hết!".

Hai anh bạn đào ngũ không ở trong nhà được lâu. Một buổi sáng vừa ló ra đường định kiếm ly cà phê, họ liền bị chiếc jeep quân cảnh ào tới, xét giấy tờ và lôi lên xe. Họ được đưa lên trại giam Phú Lâm vì tội bỏ ngũ. Tôi chỉ kịp đưa cho họ vài bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. Khi tìm đến trại giam Phú Lâm, tôi không được gặp mặt họ, chỉ gửi đồ thăm nuôi vào.

***

Sài Gòn biến động nhanh chóng. Hết ông Trần Văn Hương đến ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Nhiều sinh viên và các nhà chính trị đối lập được trả tự do.

Đám sinh viên chúng tôi ở nhà trọ gần Quân trấn Sài Gòn sợ bom rơi đạn lạc, đang định dời chỗ thì một ông anh là bác sĩ, chiều 28-4 chở đến tặng một bao gạo, mấy chai nước mắm. Anh dặn không được ra khỏi nhà vì tình hình rất căng thẳng.

Đêm 28 và 29-4, có vẻ như quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn. Đạn phòng không nổ giòn giã ở phía Gia Định. Chúng tôi gọi taxi chất đầy sách vở và chạy vào chung cư Cô Giang - nơi nhà cô tôi ở tầng trệt. "Có bom dội thì ở tầng trệt cũng an toàn" - tôi trấn an các bạn.

Trên đường, tôi thấy nhiều người nhốn nháo đột nhập các tòa nhà người Mỹ thuê vừa dọn đi. Các tòa đại sứ Mỹ, Anh, Pháp trên đường dẫn vào Dinh Độc Lập đã có đông người tụ tập. Vài chiếc trực thăng đang quần thảo ở khu trung tâm Sài Gòn. Hình như lệnh di tản của người Mỹ đã được đưa ra.

Chúng tôi ở yên trong nhà nhưng tối 29-4 vẫn bị một toán lính đến kiểm tra, súng cầm tay lăm le rất đáng sợ. Giờ phút cuối, Sài Gòn rất căng thẳng. Các gia đình giàu có và người nổi tiếng lo dọn đồ di tản. Một số người tỏ vẻ hoang mang, nhất là các gia đình có con em đi lính vừa trốn về.

11 giờ ngày 30-4-1975, tôi và Nguyễn Hữu Tùng - nay là một bác sĩ nổi tiếng - đạp xe về hướng đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) vì nghe tin xe tăng bộ đội sắp vào. Ngang chỗ đài truyền hình, chúng tôi chứng kiến cảnh phá kho, mỗi đứa được phát chai rượu, gọi là để đi đón mừng.

Phía cầu Thị Nghè có những tiếng nổ và một đám cháy nhỏ. Một chiếc xe jeep dẫn đường bóp còi inh ỏi rồi 2 chiếc thiết giáp chạy vào. Những anh bộ đội ngồi trên xe giơ súng hoan hô.

Chúng tôi đạp xe theo đoàn người rất đông, đến công viên trước Dinh Độc Lập thì thấy chiếc cổng đã bị xe tăng ủi sập. Bộ đội bắt đầu tỏa ra đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) và dưới những tán cây công viên. Lúc ấy là 12 giờ trưa 30-4-1975.

Tôi và Tùng đạp xe về. Sài Gòn vắng vẻ hẳn, chỉ còn vài chiếc xe quân sự vượt qua chúng tôi. Hai bên đường, áo quần, giày đinh, ba-lô nhà binh của lính VNCH bỏ lại ngổn ngang. Vài người lính chỉ mặc quần, đi chân không; một số người lê bước thất thểu...

Tôi nói với Tùng: "Mình sắp được về quê rồi". 

Tháng tư Sài Gòn năm ấy - Ảnh 2.

TP HCM ngày càng hiện đại, phố xá sầm uất với nhiều tòa nhà cao tầng Ảnh: TẤN THẠNH

Hôm Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống VNCH, tay lính không quân ở xóm trọ của tôi chỉ mặc chiếc quần quân phục, chạy ra đầu hẻm chửi thề.

Trong khi đó, một anh bạn sinh viên của tôi tự dưng ca vài câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu. Tôi định hỏi anh bạn có ý gì khi hát vào lúc ấy nhưng lại quên. Sau này, người bạn vẫn ở Sài Gòn rồi bệnh mà qua đời. Anh bạn ấy thổi sáo rất hay, thuộc nhiều câu vọng cổ do Út Trà Ôn ca và cũng ít khi bàn về thời cuộc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo