Tối 25-4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Tịnh Biên và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đến tham dự.
Nghi thức chào cờ trước khi công bố thành lập thị xã Tịnh Biên.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương tham dự lễ.
Giới thiệu về Tịnh Biên, ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên, cho biết Tịnh Biên là địa phương miền núi, dân tộc và biên giới, nằm về phía Tây Bắc của tỉnh An Giang với diện tích tự nhiên 354,59 km², dân số trên 143.000 người. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến ngày 12-2-2023, Tịnh Biên có 11 xã và 3 thị trấn.
"Hôm nay đã đánh dấu mốc quan trọng trong trang sử hình thành và phát triển của Tịnh Biên, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Tịnh Biên khi trở thành đô thị mới của tỉnh An Giang và cả nước. Đây thực sự trở thành ngày hội lớn của địa phương" – ông Nhơn bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phát biểu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết phía đông Tịnh Biên giáp TP Châu Đốc, là điểm đầu tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Tăng đã được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo tinh thần Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 27-6-2022.
"Có thể nói, với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế kết nối vùng có được từ những dự án đầu tư hạ tầng của Trung ương, thị xã Tịnh Biên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu. Đây là cầu nối giao thương quan trọng nối thị xã Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung với các tỉnh vùng ĐBSCL và các nước trong Khu vực Đông Nam Á" - ông Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn cho rằng thị xã Tịnh Biên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên, thắng cảnh du lịch nổi tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và có nhiều cơ hội trở thành thị xã du lịch của vùng Bảy Núi An Giang. Từ đó, ông Bình đề nghị thị xã Tịnh Biên cần huy động mọi nguồn lực để ưu tiên tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ kinh tế du lịch.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phát biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng và biểu dương về những cố gắng, nỗ lực quyết tâm phấn đấu và những kết quả, thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh An Giang nói chung và thị xã Tịnh Biên nói riêng.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định đây chỉ là bước đầu trong mục tiêu xây dựng thị xã Tịnh Biên trở thành đô thị quan trọng khu vực phía Tây của tỉnh An Giang. Do đó, yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh An Giang và thị xã Tịnh Biên tiếp tục tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, để thực hiện tốt vai trò là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây của tỉnh An Giang. Sớm ổn định, sắp xếp tổ chức bộ máy thị xã Tịnh Biên đi vào nề nếp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Tịnh Biên và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên.
Hàng ngàn người dân ra đường đón mừng thị xã Tịnh Biên.
Hiện nay, thị xã Tịnh Biên có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 phường: An Phú, Chi Lăng, Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn, Tịnh Biên và 7 xã: An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung.
Năm 2022, kinh tế của Tịnh Biên có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, thu ngân sách tăng nhanh, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan.
Hiện nay, Tịnh Biên có trên 2.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 5.500 lao động. Đặc biệt, địa phương có dự án khu phức hợp điện năng lượng mặt trời tại xã Văn Giáo với diện tích 60 ha, xã An Hảo 275 ha và Khu Công nghiệp Xuân Tô 300 ha đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Thiên Cấm Sơn - Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của thị xã Tịnh Biên.
Năm 2022, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch của thị xã đạt hơn 3,04 triệu lượt người, doanh thu gần 323 tỉ đồng. Đây là cơ sở để Tịnh Biên tiếp tục đặt mục tiêu phát triển thế mạnh từ "ngành công nghiệp không khói" trong những năm tới.
Bình luận (0)