Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Quy chế làm việc số 09-QC/TU của Ban chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Quy chế này thay thế Quy chế làm việc số 05-QC/TU.
Quy chế 09 gồm 5 chương, 32 điều. Đáng chú ý, theo Quy chế, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho ý kiến về chủ trương triển khai thực hiện (trước khi cơ quan có thẩm quyền của thành phố quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công...) đối với các dự án đầu tư công thuộc nhóm A; các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) trên địa bàn thành phố có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỉ đồng trở lên hoặc có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên trong khu vực các quận và từ 25 ha trở lên tại các khu vực còn lại.
Ngoài ra còn có các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có quy mô sử dụng đất từ 30 ha đến 75 ha hoặc có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỉ đồng trở lên; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (không kể quy mô nguồn vốn)...
Trong khi đó, Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến về chủ trương triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỉ đồng đến 2.500 tỉ đồng; hoặc có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha tại các quận và có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên; hoặc có quy mô sử dụng đất từ 10 ha đến 25 ha tại các khu vực còn lại; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có quy mô sử dụng đất dưới 30 ha; các dự án đầu tư (sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách nhà nước) có yếu tố phức tạp...
Về nguyên tắc làm việc, Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Thành ủy và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Cá nhân được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết của tập thể. Ý kiến bảo lưu có thể được phản ánh lên cấp trên, nhưng không được tuyên truyền, phổ biến ra bên ngoài...
So với Quy chế 05, đây là bản bổ sung, hoàn thiện và có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể hóa nhằm tăng cường trách nhiệm tập thể, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; giảm họp, tăng cường đi cơ sở, tập trung giải quyết công việc.
Đơn cử, ngoài yêu cầu dành 1/3 thời gian đi cơ sở, khi địa phương, đơn vị có vụ việc mới xảy ra, vấn đề nổi cộm, phức tạp, đột xuất, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cơ sở giải quyết theo chức trách, nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm với địa bàn, đơn vị được phân công phụ trách.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban chấp hành Đảng Bộ TP (Thành uỷ viên), Quy chế 09 nêu rõ phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng; không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Trung ương và Thành ủy; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng.
Có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; xây dựng gia đình văn hoá; không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và cá nhân. Sinh hoạt đảng hai chiều theo quy định của Trung ương; giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.
Bình luận (0)