Trong trả lời chất vấn tại Quốc hội về vấn đề phát triển ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm 2 tỉ USD (tương đương hơn 46.000 tỉ đồng) để cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực kinh tế trọng điểm này trong thời gian tới. Nguồn lực này, theo "tư lệnh" ngành kế hoạch và đầu tư, sẽ đầu tư cho những dự án trọng điểm có tính chất liên vùng như xây dựng vài tuyến đường giao thông quan trọng, tuyến đường ven biển... Ngoài ra, nguồn lực này cũng là "mồi" nhằm huy động một phần nguồn lực phát triển từ các địa phương để thực hiện những dự án hạ tầng, đồng thời còn có hợp tác đối tác công - tư, tức là huy động vốn từ xã hội.
ĐBSCL là một vùng kinh tế trọng điểm của đất nước với số dân khoảng 20 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, hơn 12% GDP cả nước. Đặc biệt, ĐBSCL giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực tại một đất nước nông nghiệp như nước ta khi đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.
Thế nhưng, tăng trưởng lâu nay vẫn là một bài toán khó với ĐBSCL. Tăng trưởng kinh tế trung bình của cả vùng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,2%, trong khi cả nước tăng 1,81%. Một trong những "điểm nghẽn" tăng trưởng của ĐBSCL được cho là cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông. Là một vùng kinh tế quan trọng nhưng hiện ĐBSCL mới chỉ có vỏn vẹn 40 km đường cao tốc, đoạn TP HCM - Trung Lương và chưa có cảng nước sâu nào trong khi mỗi năm xuất khẩu lượng lương thực, thực phẩm lớn.
Hạ tầng của ĐBSCL, hệ thống giao thông kết nối với khu vực TP HCM và Đông Nam Bộ luôn được xem là rất cấp bách và quyết định sự phát triển của nơi có tiềm năng phát triển lớn của đất nước này, nhất là khi an ninh lương thực ngày càng giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Giải quyết được "điểm nghẽn" này, không chỉ ĐBSCL chuyển mình, phát triển tương xứng với tiềm năng mà cả nước cũng sẽ hưởng lợi không nhỏ. Nguồn vốn trị giá 2 tỉ USD vì thế được trông đợi sẽ góp phần tạo xung lực, góp phần tháo gỡ một trong những "điểm nghẽn" tăng trưởng ở ĐBSCL lâu nay. Tất nhiên, để vốn đầu tư 46.000 tỉ đồng phát huy tác dụng cao nhất trước hết cần sử dụng hiệu quả, có tác dụng lan tỏa tốt nhất.
Nguồn lực để làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng, góp phần để ĐBSCL phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của một vùng kinh tế năng động trên thực tế cần lớn hơn con số 2 tỉ USD rất nhiều. Song đây là một ưu tiên cần thiết bởi tháo "điểm nghẽn" về hạ tầng cũng chính là góp phần để gỡ những vướng mắc, bất cập về kinh tế, văn hóa, xã hội... giúp dần thu hẹp khoảng cách trong các vấn đề này giữa ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước.
Bình luận (0)