Vùng này vẫn đang "đói" đường cao tốc. Hiện cả nước có hơn 1.000 km đường cao tốc thì ĐBSCL chỉ có hơn 40 km (cao tốc TP HCM - Trung Lương), trong khi khoảng 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng ở TP HCM.
Điểm nghẽn hàng chục năm
Giao thông thủy và đường biển của ĐBSCL là một lợi thế với bờ biển dài 740 km, hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28.000 km. Trong đó có 13.000 km có khả năng khai thác vận tải, chiếm đến 70% chiều dài đường sông của cả nước. Trong khi vùng này có mật độ đường sông cao nhất cả nước, đạt 0,61 km/km2 thì hạ tầng giao thông thủy chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải khai thác theo hình thức tự nhiên; tính kết nối giữa các phương thức đường bộ, đường biển kém, chưa phát huy hết lợi thế của vùng.
Hàng hải dù được kỳ vọng là động lực phát triển vùng nhưng nhóm cảng biển ĐBSCL vẫn đang hoạt động ì ạch, phụ thuộc 4 luồng tàu từ biển vào các cụm cảng nằm trong nội địa.
Về hạ tầng giao thông hàng không, ĐBSCL hiện có 4 sân bay (2 quốc tế, 2 nội địa), cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải, trong đó Cảng Hàng không Phú Quốc hoạt động khá. Sân bay quốc tế Cần Thơ là niềm tự hào của người miền Tây, đã qua 10 năm đưa vào sử dụng nhưng đến nay cũng chỉ mới khai thác được khoảng hơn 30% công suất. Đây cũng là một "điểm nghẽn" cần được tháo thông.
Sự kết nối giữa các phương thức vận tải đường bộ và đường thủy, đường bộ và cảng biển, đường bộ và cảng hàng không vẫn chưa thuận lợi và hiệu quả. Ba nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công công trình chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ đã được nhận diện nhưng tháo gỡ chưa thật sự thông thoáng.
Cánh cửa sẽ mở?
Tại Hội nghị trực tuyến về Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên một số định hướng quan trọng trong việc lập kế hoạch và hứa hẹn "cách làm mới". Nếu như trước đây, "mùa kế hoạch", các địa phương sẽ tới bộ để báo cáo tình hình chuẩn bị kế hoạch hằng năm, 5 năm thì nay bộ chủ động làm việc với từng địa phương, tiếp cận theo từng vùng, chủ động bố trí vốn trung hạn; xây dựng hành lang pháp lý từ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động tốt vốn ngoài ngân sách đáp ứng yêu cầu; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối vùng để tăng cường liên kết.
Vùng ĐBSCL, cùng với các ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan "tài nguyên nước" như đầu tư xây dựng các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển thì hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giải quyết các điểm nghẽn giao thông là một trọng điểm đầu tư. Theo đó, 5 năm tới, ưu tiên phát triển các trục giao thông xương sống theo trục dọc Bắc Nam, tuyến ven biển, các trục ngang kết nối vùng, liên vùng, tạo ra các hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, KCN, khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.
Liên tục thời gian gần đây, nhiều tin vui cho giao thông ĐBSCL. Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó gần 3.400 tỉ đồng bố trí từ ngân sách. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2023, kết nối 2 tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện hữu, Trung Lương - Mỹ Thuận và và Mỹ Thuận - Cần Thơ thành trục xương sống TP HCM - TP Cần Thơ.
Trước đó là thông tin về 2 tuyến cao tốc hơn 67.400 tỉ đồng đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý về nguyên tắc việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển Đông, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xác định nguồn vốn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 130 km, vốn dự kiến hơn 47.000 tỉ đồng cũng được cho chủ trương xây dựng bằng vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuyến đường Mỹ An - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư ước hơn 4.524 tỉ đồng cũng đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương vay vốn ODA Hàn Quốc xây dựng. Tuyến đường dài hơn 26 km, tạo khả năng nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống sang Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tỉnh Kiên Giang, tạo thành trục dọc tuyến cao tốc huyết mạch TP HCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ.
Hiện tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, tổng vốn hơn 6.300 tỉ đồng sắp hoàn thành. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, sau hơn 10 năm khởi công, đình hoãn, thi công lại, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng, dự kiến cũng được khởi công trong năm nay.
Trong giai đoạn 2021-2025, từng vùng, địa phương phải chủ động, đặt mục tiêu cao hơn để trên cơ sở đó tính toán, tận dụng tất cả cơ hội, giải pháp phát triển nhanh. Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn chính là mệnh lệnh phát triển. Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông. Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu phát triển đồng bằng cho giai đoạn mới.
Với tư duy mới trong phát triển vùng, yêu cầu kết nối nội vùng và liên vùng, chủ động bố trí vốn ngân sách và tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng để ngành, địa phương chủ động huy động vốn đầu tư, cánh cửa giao thông "đi trước mở đường" phát triển đang được kỳ vọng. Vấn đề còn lại là cách làm, thực thi và phối hợp hiệu quả.
Bình luận (0)