Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công - ngày 25-11 đã khảo sát tại Đảng ủy khối Doanh nghiệp (DN) trung ương.
Đề xuất trả lương theo nguyên tắc thị trường
Tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy khối DN trung ương, cho biết Đảng bộ khối có 35 Đảng bộ trực thuộc, là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính hoạt động theo hình thức công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% cổ phần. Đảng ủy khối kiến nghị cho phép DN 100% vốn nhà nước được áp dụng ngay các nội dung cải cách về tiền lương như đối với các DN cổ phần có vốn nhà nước chi phối. Nếu không thực hiện sớm thì các DN 100% vốn nhà nước càng tụt hậu, không cạnh tranh được với các DN khác.
Đáng chú ý, Đảng ủy khối DN trung ương đề nghị giao quyền chủ động cho DN quyết định thang lương, bảng lương cụ thể cho phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của từng DN và công khai tại nơi làm việc để người lao động, Công đoàn giám sát. Đồng thời, sửa đổi nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương theo nhà nước chỉ quy định sàn mức lương thấp nhất, còn khoảng cách lương và quan hệ tiền lương (thấp nhất - cao nhất) giao cho DN tự xác định.
Đảng ủy khối DN trung ương còn đề xuất cho tất cả DN có cơ chế như nhau trong trả lương theo nguyên tắc thị trường, phản ánh đúng giá trị công việc, nhằm thu hút, duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự, lấy chỉ tiêu lợi nhuận, tỉ suất lợi trên vốn làm tiêu chí đánh giá chính.
Đồng tình với các đề xuất trên, bà Trần Thu Huyền - thành viên HĐQT, Giám đốc khối nhân sự VietinBank - cho rằng cần thiết mở rộng quyền và tạo quyền tự chủ cho DN được quyết định tự trả tiền lương theo cơ chế thị trường chứ không khống chế mức tiền lương như hiện nay. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đề xuất cho phép DN được tự quyết lương của ủy viên HĐQT cũng như mức lương tối thiểu (LTT).
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính thẳng thắn nhìn nhận LTT hiện bị DN sử dụng sai mục đích. "Chức năng của mức lương sàn là nhằm bảo vệ người yếu thế nhưng lại lấy LTT làm cơ sở đóng BHXH. Điều chỉnh LTT phải căn cứ và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhu cầu - giá nhân công thị trường tăng. Hiện tăng lương 1 bậc tương đương 20.000 đồng chưa mua nổi một bát phở. Vì thế, nhà nước phải đưa ra nguyên tắc, bậc khoảng cách ít nhất phải 5%" - ông Chính đề nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình việc tăng cường tính tự chủ về thực hiện chính sách lương cho DNNNẢnh: Thành Chung
Cần có lộ trình để triển khai
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc khảo sát tiền lương tại khối DNNN hoặc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là nội dung quan trọng trong Đề án cải cách tiền lương sẽ trình trung ương thảo luận. Cải cách chính sách tiền lương, trong đó có khối DNNN, là biện pháp quan trọng trong việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước có cổ phần chi phối.
Phó Thủ tướng lưu ý cần tăng cường tính tự chủ về thực hiện chính sách lương cho DN nhưng cần có lộ trình để triển khai. Tuy nhiên, nhà nước vẫn phải quản lý LTT vùng theo thông lệ quốc tế, quản lý việc chi trả lương cho chức danh đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh của các DNNN để xác định mức chi trả tiền lương phù hợp; quy định mức LTT vùng theo giờ để đáp ứng nhu cầu công việc bán thời gian, theo thời vụ theo nhu cầu của DN và người lao động.
Về điều chỉnh LTT vùng, Phó Thủ tướng lưu ý cần tính tới việc tích lũy biến động của CPI và tỉ lệ tăng năng suất lao động; đồng tình với các ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh LTT vùng thay vì Chính phủ phải ban hành nghị quyết để điều chỉnh như hiện nay.
Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ còn đề nghị các bộ nghiên cứu bỏ thang, bảng lương trong khối sản xuất - kinh doanh theo lộ trình để tự DN quyết định tiền lương; tăng cường các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia với các thành viên là đại diện cho giới chủ và các chuyên gia tiền lương độc lập.
Nghiên cứu việc chuyển hình thức trả lương theo cấp bậc, quân hàm
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khảo sát tại Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cho biết hệ thống thang, bảng lương trong quân đội cơ bản phù hợp với yêu cầu về tổ chức, biên chế và hoạt động đặc thù của quân đội; phản ánh được trình độ, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của ngành "lao động đặc biệt". Tuy nhiên, chế độ tiền lương vẫn còn những hạn chế như tiền lương trong quân đội tính theo quân hàm nên có chuyện sĩ quan cùng cấp bậc, quân hàm nhưng đảm nhận chức vụ khác nhau thì tiền lương lại khác nhau, chưa thể hiện được trách nhiệm của sĩ quan lãnh đạo...
Nhấn mạnh ý nghĩa của chính sách tiền lương đối với quân đội, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu việc chuyển hình thức trả lương theo cấp bậc quân hàm và phụ cấp chức vụ sang trả lương theo vị trí, chức vụ và phụ cấp quân hàm, phù hợp với chủ trương của Đảng; hướng tới xây dựng vị trí việc làm trong quân đội; rà soát lại các hệ thống phụ cấp để tích hợp các loại phụ cấp phù hợp vào lương hay bổ sung phụ cấp...
Bình luận (0)