Thời gian gần đây, người dân đặt chân đến Khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhận thấy tình trạng tường gạch trên khu tháp Bắc và tháp Giữa vừa mới được trùng tu bị muối hóa tạo ra các vệt màu trắng loang lổ, kèm với đó là rêu xanh bám phủ nhiều nơi.
Hiện tượng trên xuất hiện chưa lâu và chỉ xuất hiện tại những nơi vừa được trùng tu bằng gạch mới.
Gạch trùng tu bị muối hóa, rêu xanh bám đầy
Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, dự án bảo tồn tháp Bắc và tháp Giữa thuộc nhóm tháp Chăm Khương Mỹ được triển khai từ cuối năm 2019, hoàn thành vào tháng 12-2022.
Dự án có tổng kinh phí hơn 12,6 tỉ đồng. Nhà thầu thi công là Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng); nhà thầu khảo sát hiện trạng, lập thiết kế dự toán là Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích; Công ty TNHH MTV thiết kế và Xây dựng Mỹ Gia là nhà thầu giám sát.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, trong số tổng mức đầu tư 12,6 tỉ đồng, phần xây lắp chiếm khoảng 10 tỉ, còn lại là các chi phí khác.
Clip: Tháp Chăm Khương Mỹ mới được trùng tu 6 tháng nhưng nền gạch bị muối hóa, rêu bám đầy
Về nguồn gạch thực hiện dự án được mua từ tỉnh Bình Định, đây là loại gạch đặc biệt để trùng tu tháp. Về hiện tượng muối hóa, ông Thành cho hay, trong gạch, dầu rái và vôi (vật liệu gắn kết) có thành phần muối. Qua thời gian khoảng 3-4 năm đầu, muối từ bên trong thoát ra ngoài tạo nên hiện tượng này. Ngoài ra, vị trí tháp Khương Mỹ ở bên trên nguồn nước ngầm hồ Phú Ninh, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện cho rêu mốc phát triển. Theo ông Thành, hiện tượng trên "không ảnh hưởng chất lượng công trình", chỉ gây mất thẩm mỹ.
Sau khi nhận phản ánh, chủ đầu tư đã cử người đến ghi nhận thực tế, chiều nay (11-5) đơn vị thi công sẽ vào kiểm tra, có giải pháp khắc phục.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi lại:
Gạch mới trùng tu bị muối hóa
Rêu xanh bám phủ
Theo chủ đầu tư, quy mô dự án gồm: Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Tháp Bắc với diện tích khoảng 57 m2, chiều cao Tháp khoảng 16,9 m; Tháp Giữa với diện tích khoảng 75 m2, chiều cao Tháp là khoảng 18,7 m.
Các nội dung công việc cụ thể gồm: lắp dựng dàn giáo, bao che bạt dứa, lợp mái tole phục vụ tu bổ. Phát quang bụi rậm xung quang tháp, xử lý diệt cỏ dại trên thân tháp...
Hạ giải các khối xây sạt lở mất khả năng liên kết và xử lý, phân loại, đánh dấu, tập kết, bảo quản các cấu kiện theo quy trình tu bổ.
Bên cạnh đó, tiến hành tu bổ, phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái. Tu bổ khối xây lõi tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng vữa truyền thống
Dự án triển khai gia cố gắn kết các vết nứt ngang tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái. Tu bổ các chi tiết chạm khắc: soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp. Phục hồi nền lòng tháp bằng gạch chăm phục chế sử dụng vữa truyền thống (lát không có mạch vữa). Chống mối nền toàn bộ lòng tháp và bên ngoài tháp. Gia cố các vết nứt dọc thân tháp. Xây dựng nhà kho bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc hạ giải khoảng 36 m2.
Bình luận (0)