Từ lâu, nhà rường là một bộ phận không thể tách rời của di sản lịch sử, văn hóa Huế. Tuy nhiên, qua thời gian hàng trăm năm tồn tại, rất nhiều nhà rường Huế đã xuống cấp trầm trọng. Phần lớn chủ nhân các ngôi nhà rường không đủ nguồn lực kinh tế để sửa chữa, trùng tu nên nguy cơ hư hỏng, dẫn đến nhiều trường hợp gia chủ phải dỡ bỏ nhà rường để xây mới với kiến trúc hiện đại.
43 nhà vườn được hỗ trợ
Để bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường Huế, năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng". Mục tiêu chung của đề án là nhằm hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của nhà vườn, phát huy có hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn. Theo đó, sẽ đầu tư hỗ trợ trùng tu cho 18 nhà vườn ở thành phố Huế, 25 nhà vườn ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền).
Các nhà vườn tham gia đề án sẽ được đầu tư hỗ trợ trùng tu 3 mức theo chất lượng phân loại của 3 loại nhà: Nhà loại I được đầu tư 700 triệu đồng, nhà loại II không quá 500 triệu đồng, nhà loại III không quá 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, các nhà vườn còn nhận chính sách hỗ trợ về thuế và vay vốn cải tạo vườn, kinh doanh dịch vụ tại vườn…
Ngôi nhà rường của bà Lương Thanh Thị Trảng đang chờ được trùng tu
Một trong những ngôi nhà rường Huế nổi tiếng được đầu tư trùng tu trong đợt này là Ngọc Sơn Công chúa từ. Công chúa Ngọc Sơn (tên đầy đủ là Nguyễn Phước Hỷ Hỷ, con gái vua Đồng Khánh) kết hôn với Trung quân đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, con trai của Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, một đại thần triều Nguyễn. Sau khi hạ sinh một con gái, công chúa Ngọc Sơn mắc bạo bệnh và qua đời lúc 20 tuổi. Năm 1921, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn cho xây dựng biệt phủ làm nơi thờ tự công chúa. Phủ thờ tuy không thuộc các công trình kiến trúc hoàng gia triều Nguyễn nhưng có giá trị đặc sắc và tiêu biểu về kiến trúc nhà vườn xứ Huế. Khu nhà vườn có tổng diện tích gần 2.400 m2, trải qua gần 100 năm tồn tại đã xuống cấp nghiêm trọng. Công trình trùng tu có tổng kinh phí hơn 750 triệu đồng.
Tại thành phố Huế, từ năm 2015 đến tháng 3-2020 đã có 10 trong 18 nhà vườn tham gia đề án được hỗ trợ kinh phí trùng tu với kinh phí trên 5,4 tỉ đồng. Sự hỗ trợ kinh phí trùng tu kịp thời đã làm hồi sinh một số ngôi nhà rường tưởng chừng sẽ mất đi.
Tiếp sức chủ nhà vườn làng cổ
Làng cổ Phước Tích có 25/26 nhà tham gia đề án, trong đó có 14 nhà loại I, 9 nhà loại II, 3 nhà loại III. Năm 2017 đầu tư kinh phí trên 1,9 tỉ đồng trùng tu 3 nhà, năm 2018 đầu tư trên 5,95 tỉ đồng trùng tu 8 nhà, năm 2019 đầu tư gần 5,3 tỉ đồng trùng tu 9 nhà. Năm 2020, đang đề nghị đầu tư trên 2 tỉ đồng trùng tu 3 nhà, trong đó có 1 nhà loại I.
Một số chủ nhân nhà vườn đã chủ động cùng với kinh phí đề án để đầu tư trùng tu lớn. Nhà bà Lê Thị Phương thuộc loại nhà rường đặc trưng, ba gian mở cửa, thượng song hạ bản. Tỉnh đầu tư cho bà 500 triệu đồng trùng tu, gia đình bà bỏ thêm 400 triệu để làm thêm hai chái và lợp ngói liệt ngôi nhà dưới, hoàn tất cuộc đại trùng tu. "Với đợt trùng tu này, ngôi nhà sẽ có tuổi thọ thêm một thế kỷ" - một người dân Phước Tích nói.
Không chỉ nhiều ngôi nhà rường Huế được cứu vãn, mà ngôi làng cổ Phước Tích gần như được hồi sinh nhờ đề án trùng tu. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Đề án đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ Phước Tích; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làng cổ có trên 500 năm tuổi".
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, tại thành phố Huế, việc triển khai đề án còn gặp khó khăn. Thứ nhất là vướng mắc về vấn đề sở hữu, đa số đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế, một số người đang sống trong nhà vườn không có quyền quyết định việc tham gia đề án. Nhiều chủ nhân có tâm lý ngại tham gia vì sợ sẽ không được tự do xử lý kiến trúc nhà trong tương lai. Một số nhà xin không tiếp tục tham gia do kinh phí sửa chữa quá lớn, trong lúc đề án chỉ hỗ trợ cao nhất 700 triệu đồng… Do vậy, thành phố Huế mới chỉ chi được 5,2 tỉ đồng trong tổng số trên 9,3 tỉ đồng kinh phí đề án hỗ trợ trùng tu bảo vệ nhà vườn.
Bên cạnh trùng tu bảo vệ nhà vườn, việc phát huy giá trị là một nội dung mà nghị quyết HĐND tỉnh đòi hỏi khi thông qua đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng".
Tại thành phố Huế, đến tháng 3-2020 đã có 9 nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay, đã có những ngôi nhà sau khi trùng tu, tổ chức làm du lịch, dịch vụ, thu từ 30-90 triệu đồng/tháng. Làng cổ Phước Tích đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạ tầng cơ bản của làng, sau đó sẽ tính đến những phương án dài lâu để phát huy giá trị làng cổ. Hiện làng có 14 trong 26 nhà tham gia dịch vụ tổ chức tham quan nhà vườn, có 5 nhà tổ chức dịch vụ homestay với sức chứa 30 người. "Trong tương lai, làng sẽ mở thêm nhiều tour du lịch tham quan hấp dẫn, đánh thức được vỉa tầng văn hóa 500 năm mà ngôi làng đã gìn giữ" - ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích - Kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, cho biết.
Cứu vãn thành công ngôi nhà mục nát
Ngôi nhà của ông Hồ Văn Thuyên được trùng tu là một điển hình về việc cứu vãn nhà rường Huế. Trước đó, nhìn vào ngôi nhà thềm rêu mục nát này, không ai nghĩ có thể trùng tu được. Bộ khung nhà rường rệu rã này đã phải khoác lên trên nó mái tôn xập xệ, những đòn tay gãy đổ, những khung cửa cũ nát. Từ tháng 12-2019, ngôi nhà được thay áo mới tinh tươm. Không nói thì ai cũng biết ông Thuyên vui mừng như thế nào. Gia đình rất khó khăn, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng để hồi sinh lại ngôi nhà là điều ông không bao giờ mơ nghĩ tới.
Bình luận (0)