Dù đã xảy ra hơn 2 tháng nhưng vụ sạt lở bờ sông Sài Gòn đoạn qua ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM vẫn khiến nhiều người rùng mình.
Nơi sạt lở tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM khiến việc đi lại của người dân luôn trong nguy cơ mất an toàn
Sông lấn mỗi ngày
Thời điểm đó, một đoạn đê dài thình lình trôi xuống sông. Con đê cũng chính là đường giao thông nên sự cố này khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Đến nay, vị trí sạt lở đã được gia cố bằng nhiều cây lớn đóng xuống nhưng theo quan sát của phóng viên, những vệt nứt dài chạy dọc mặt đường liên tục xuất hiện, nguy cơ sạt lở tiếp vẫn còn, khiến người dân sống tại đây rất lo lắng.
"Nếu chính quyền không sớm triển khai các biện pháp chống sạt lở thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng… Dọc theo bờ sông còn nhiều điểm hở hàm ếch, sớm muộn gì cũng sẽ sụt. Nhà cửa, đất đai, đường đi sẽ trôi xuống sông hết" - ông Trương Phát Đạt, người dân địa phương, nói tới viễn cảnh tồi tệ.
Còn tại khu vực hai bên cầu Giồng Ông Tố 1, lực lượng chức năng 2 phường An Phú và Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức, TP HCM) gắn biển cảnh báo: "Nguy hiểm. Khu vực sạt lở". Đoạn sạt lở ở đây dài khoảng 150 m tại mỗi bên mố cầu, là khu vực sạt lở mức độ "đặc biệt nguy hiểm" của TP HCM trong năm 2022, ảnh hưởng đến 19 hộ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (khu phố 3, phường An Phú) cho hay hàng chục năm nay gia đình bà sống trong cảnh nơm nớp khi chứng kiến phần đất phía sau nhà hầu như bị sạt lở mỗi ngày. "Hằng năm, gia đình tôi phải tự bỏ kinh phí ra để mua xà bần về gia cố, làm vững căn nhà. Nghe nói sắp tới sẽ triển khai dự án xây dựng bờ kè dọc khu vực này, chúng tôi rất mong chờ" - bà Liên nói.
Vị trí sạt lở tại chân cầu Giồng Ông Tố 1, TP Thủ Đức, TP HCM
Nơi có trách nhiệm lại "mơ hồ"
Theo thống kê, tính tới thời điểm hiện tại, TP HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tháo gỡ những vướng mắc, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình phòng chống sạt lở nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong 32 vị trí sạt lở, 23 vị trí đã có chủ trương đầu tư dự án kè nhưng nhiều đơn vị có trách nhiệm vẫn tỏ ra mơ hồ với các dự án này. Tại vị trí sạt lở ở bờ trái sông Sài Gòn (đối diện số nhà 16/5 đến 16/13 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) được UBND TP HCM xác định là có dự án kè chống sạt lở bờ sông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với lãnh đạo của đơn vị này thì được trả lời là đơn vị không liên quan đến dự án trên.
Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư 12 dự án chống sạt lở nhưng đại diện lãnh đạo đơn vị cho biết đơn vị không phụ trách các dự án này.
Nhiều người dân sống tại những khu vực nguy cơ sạt lở cho biết việc đi lại, sinh kế, thậm chí tính mạng đang phụ thuộc vào phản ứng nhanh nhạy, cách giải quyết rốt ráo, đúng trách nhiệm của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng làm sớm chừng nào họ yên tâm chừng đó.
Địa phương gặp khó
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Củ Chi thông tin địa phương đã gia cố vị trí sạt lở vừa xuất hiện trên địa bàn. Vị trí sạt lở này thuộc dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Đây là công trình hoàn thành vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu. Điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai công tác duy tu, sửa chữa mặc dù chứng kiến công trình đang ngày càng xuống cấp.
Theo tìm hiểu, dự án này do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) làm chủ đầu tư.
Bình luận (0)