Nhiều CN nói suốt năm họ chỉ trông đợi vào ngày này. Đó là lời nói tự đáy lòng của những người quanh năm cặm cụi bên cỗ máy. Cả thời gian và công sức dành hết cho công việc; những thú vui riêng tư, thời gian chăm sóc cho gia đình, chồng con cũng bị thu hẹp dần. Những lúc tranh thủ chợ chiều ngày không có hàng thì cũng bó rau, mớ tép hay quả trứng để qua bữa qua ngày. Tất cả, đều dành dụm trong đồng lương và thấp thỏm ngóng tin thưởng Tết.
Bởi chỉ có tiền thưởng Tết mới là khoản giúp họ trang trải được nhiều việc của một năm qua hay đón cái Tết bên gia đình được ấm áp hơn, có đồng ra đồng vào sau những lo liệu. Nghe cao cao một chút, khá hơn năm trước là mừng, trong đầu đã có thể tính toán mua thứ này cho cha, cho mẹ, cho em. Nghe nói năm nay làm ăn bết hơn, thưởng ít đi là thấy buồn, trong đầu phải nghĩ đến sự tằn tiện hơn trong chi tiêu để đắp đổi.
Nghe nói năm nay thưởng Tết rất thấp, chỉ tượng trưng vài trăm nghìn là nhiều CN đã nghĩ đến chuyện Tết không về; ở lại chịu buồn, khổ rồi cũng qua ba ngày Tết.
Cũng như mọi năm, sau những khoản tiền thưởng Tết cho CN, dư luận đều chú ý đến những người không có Tết. Đó là CN ở những doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, giải thể; là những giáo viên ở vùng sâu vùng xa, đồng lương đã eo hẹp, thưởng Tết có khi chỉ vài chục nghìn đồng hoặc quà Tết chỉ là dăm cân đường, đậu. Ở TP lớn như TP HCM thì đội ngũ giáo viên và công chức, viên chức các cơ quan hành chính, sự nghiệp, năm nào cũng được chính quyền TP hỗ trợ một khoản thay cho thưởng Tết để ấm lòng vì được quan tâm.
Bởi tính chất quan trọng và tế nhị nên Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 không nói đến thưởng Tết mà chỉ đề cập về tiền thưởng (điều 103). Trong thực tế, nhiều DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, có khoản thưởng cuối năm cho người lao động (NLĐ), quen gọi là tháng lương thứ 13 như một hình thức động viên NLĐ. Còn các DN trong nước và nhiều cơ quan đơn vị thì nhiều nơi có thưởng (căn cứ vào các nguồn quỹ có được) và cả tiền lương tháng 13.
Lần này, BLLĐ sửa đổi (hiệu lực từ năm 2021) điều 104 thay khái niệm "tiền thưởng là khoản tiền" bằng "tiền thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác" mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy định này đang tạo "sóng" trong dư luận, vì có thể trở lại tình trạng thưởng cho NLĐ bằng hiện vật do nhà máy làm ra như thời bao cấp; hoặc thưởng bằng sản phẩm là chính, còn thưởng tiền chỉ là tượng trưng, trong khi NLĐ cần thưởng bằng tiền mặt để có thể thu vén chi tiêu trong dịp Tết.
Luật pháp càng sâu sát đời sống càng dễ phát huy tác dụng tích cực. Đời sống cũng có những lý lẽ riêng, nhất là những việc liên quan đến tình người. Mong sao các DN đừng dựa vào những quy định mới để quên đi tiền thưởng cho NLĐ. Và từ nay đến khi BLLĐ sửa đổi có hiệu lực, mong sao các cơ quan hữu trách có văn bản hướng dẫn thực hiện sát hợp thực tế đời sống NLĐ, không để NLĐ quá thiệt thòi.
Bình luận (0)