Ngày 28-2, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đơn vị này vừa kết luận các sai phạm tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco).
Nhiều sai phạm
Theo đó, Đảng ủy Dakruco khóa X (2010-2015) vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; không chấp hành nghiêm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, làm giảm vai trò lãnh đạo dẫn đến cán bộ, đảng viên thực hiện một số nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh không đúng quy định, thiệt hại vốn nhà nước.
Cụm dịch vụ khách sạn Dakruco ở vị trí đắc địa của TP Buôn Ma Thuột nhưng làm ăn vẫn bết bát
Ông Huỳnh Văn Khiết - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Dakruco (2010-2012); Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk (2008-2010) - vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành không nghiêm quy chế làm việc của Đảng ủy, điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty; vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng, tài chính, gây thiệt hại vốn nhà nước.
Ông Văn Đức Lư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Dakruco, trong thời gian giữ cương vị Đảng ủy viên, Phó Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Dakruco (2010-2012) ngoài việc cùng tập thể Đảng ủy buông lỏng quản lý thì trong thời gian đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn (Công ty Bản Đôn) đã không đề nghị Dakruco rút vốn góp và không báo cáo trong việc góp vốn vào công ty này và Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk (Công ty Chỉ thun) là không đúng quy định. Cùng những vi phạm như thế còn có ông Bùi Quang Ninh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Dakruco, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Dakruco (2010-2015) và kiểm soát viên của công ty (2010-2012).
UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định kỷ luật Đảng ủy Dakruco (nhiệm kỳ 2010-2015) và cá nhân ông Khiết, riêng vi phạm của ông Lư và ông Ninh phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách nhưng vì hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên không xem xét.
Hàng trăm tỉ đồng thất thoát
Năm 2010, Dakruco góp 15 tỉ đồng thành lập Công ty Chỉ thun. Con trai ông Khiết là ông Huỳnh Bảo Minh góp 12 tỉ đồng. Sau đó, Dakruco rót thêm vào 135,5 tỉ đồng với danh nghĩa cho vay và các khoản đầu tư vốn của nhà nước thông qua Dakruco chiếm tỉ lệ chi phối. Đến hết năm 2014, ngoài khoản nợ hơn 135 tỉ đồng của công ty mẹ đã chuyển thành vốn góp, công ty này còn thua lỗ dẫn đến mất phần vốn đầu tư bằng cổ phiếu là 15 tỉ đồng.
Năm 2011, Dakruco cổ phần hóa Trung tâm Du lịch sinh thái và Spa Bản Đôn thành Công ty Bản Đôn với tài sản định giá hơn 67 tỉ đồng. Đối tác là Công ty TNHH Huỳnh Phước, cũng do ông Minh làm giám đốc, góp 20 tỉ đồng. Không hiểu sao sau đó quyền điều hành Công ty Bản Đôn không phải là đại diện của Dakruco mà là ông Huỳnh Nguyên Khải - một người con trai khác của ông Khiết. Đến thời điểm ngừng hoạt động (cuối năm 2013), công ty này lỗ lũy kế 26 tỉ đồng, phần lỗ trên vốn góp của Dakruco hơn 10 tỉ đồng.
Đối với dự án cụm dịch vụ khách sạn Dakruco, đưa vào hoạt động năm 2009 nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục đến độ âm vốn chủ sở hữu hơn 122 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án trồng cao su cũng kém hiệu quả, làm mất vốn 94 tỉ đồng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tái cơ cấu Dakruco, trong đó có việc thu hồi các khoản đầu tư thất thoát. Tại chi nhánh trồng cao su ở Kon Tum (có giá trị đầu tư đến hết năm 2014 là hơn 219 tỉ đồng), đầu năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá 125 tỉ đồng. Đối với Công ty Bản Đôn, năm 2011 định giá trên 67 tỉ đồng nhưng được bán 30 tỉ đồng vào năm 2016. Riêng cụm dịch vụ khách sạn Dakruco hiện chưa thoái vốn được vì chưa tìm được nhà đầu tư.
Liên quan sai phạm tại Dakruco, năm 2015 Công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, ngày 28-2, một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn chưa có kết quả điều tra.
Bình luận (0)