Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án thời gian điều hành giá xăng dầu.
Điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần
Theo phương án 1, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ vào ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ. Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Đối với phương án 2, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 15 ngày như hiện hành. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Bộ Công Thương đang đề xuất mỗi tháng điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần Ảnh: NGÔ NHUNG
Chia sẻ về việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định đây là điều cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu biến động từng giờ. Theo ông Doanh, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần như hiện nay còn nhiều bất cập, không sát với diễn biến của thị trường. Trên thực tế, biến động giá xăng dầu trên thế giới có thể tăng giảm liên tục nhưng điều hành trong nước chưa theo sát do chưa đến kỳ, phải chờ đợi 15 ngày theo quy định, hoặc tính trung bình giá xăng dầu trong 15 ngày lại không tăng/giảm theo giá thế giới tại ngày điều chỉnh.
"Trong tương lai, thời gian giữa các kỳ điều hành cần được cơ quan quản lý xem xét rút ngắn hơn nữa để phù hợp với diễn biến của thị trường, bám sát được sự tăng giảm của giá xăng dầu thế giới. Hoặc có thể nghiên cứu theo hướng khi giá xăng dầu thế giới tăng giảm bao nhiêu phần trăm thì trong nước cũng thực hiện điều chỉnh, thay vì quy định cụ thể 7 ngày, 10 ngày hay 15 ngày" - ông Lê Đăng Doanh cho hay.
Thuế, phí vẫn cao
Cũng tại dự thảo, một điểm sửa đổi quan trọng khác là cách tính giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, công thức tính giá cơ sở xăng dầu được xây dựng trên cơ sở đánh giá lại khi hiện nay, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là 70%-75%, xăng dầu từ nhập khẩu chỉ chiếm 25%-30% trong tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa. Việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ 2 nguồn gồm trong nước và nhập khẩu để tạo một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định. Đối với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tính toán. Theo phương án 1, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng giá thế giới cộng hoặc trừ Premium (nếu có) cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá... theo quy định. Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân (x) với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.
Với phương án 2, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước là giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá theo quy định. Cơ quan soạn thảo nghiêng về phương án 1 do sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá khi ngoài biến số đầu vào là giá thế giới, các chi phí định mức khác đều có thể kiểm soát. Đồng thời, không làm phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp như phải kê khai giá bán, không gây xáo trộn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận việc đưa ra công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỉ trọng gồm cả 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây là phù hợp. Theo ông, việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn, gắn với xác định mức thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cho rằng dù công thức mới nhưng sẽ không có thay đổi đáng kể nào về giá xăng dầu khi điều hành, bởi tỉ trọng thuế, phí trong công thức giá vẫn ở mức cao và không thay đổi so với trước. Giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng vẫn chênh nhiều so với giá thực thế giới. Theo công thức tính giá cơ sở Nghị định 83 hiện hành, tỉ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng 64%-68% tùy loại như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng... Sẽ khó thay đổi tỉ trọng này bởi tùy thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, phải tính tới bài toán bảo đảm ngân sách.
Cây xăng mini chỉ được bán ở vùng sâu, vùng xa
Dự thảo cũng đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị mini. Cụ thể, thiết bị mini phải được kiểm soát về đo lường, kiểm định an toàn bởi các cơ quan chức năng. Loại hình bán xăng dầu qua cây xăng mini chỉ được hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi không được doanh nghiệp đầu tư cửa hàng xăng dầu truyền thống theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Các thương nhân kinh doanh cây xăng mini cũng phải đáp ứng hồ sơ cấp giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh do Sở Công Thương địa phương cấp.
Bình luận (0)