xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầy giáo mang quân hàm xanh

Lê Thị Hiệp

Ở vùng biển nghèo Tân Thắng, thượng úy Dương Văn Sơn không chỉ là một người lính biên phòng tận tụy mà còn là người thầy giáo đặc biệt mang quân hàm xanh

Trở về sau chương trình tuyên dương chiến sĩ quân hàm xanh "nâng bước em tới trường", thượng úy Dương Văn Sơn (Đồn Biên phòng Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn nhiều xúc động bởi những hoàn cảnh trẻ em khó khăn từ nhiều vùng miền của Tổ quốc. Nơi ấy, đồng đội của anh không chỉ miệt mài bảo vệ biên cương mà còn vì sự nghiệp phát triển giáo dục vùng biên giới, hải đảo. Anh là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu được tuyên dương và nhận quà chúc mừng của Chủ tịch nước vào năm 2017.

Đồn là nhà

Những năm tháng ở đồn, thượng úy Dương Văn Sơn cùng đồng đội đã giúp đỡ nhiều em thơ tiếp tục với phấn bảng, con chữ dù nhọc nhằn lắm. Sinh ra ở Hà Trung - vùng quê nghèo khó mà kiên trung thuộc tỉnh Thanh Hóa, từ thời cắp sách đến trường, Dương Văn Sơn đã ấp ủ ước mơ được làm người chiến sĩ biên phòng. Ước mơ đã đưa anh đến với Học viện Biên phòng và chính nơi ấy đã dạy anh biết cảm thông, sẻ chia, dạn dày sương gió và biết biên cương cần lắm những cống hiến hy sinh.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Học viên Biên phòng, anh được điều động đến phục vụ công tác tại Đồn Biên phòng Tân Thắng. Sẵn sàng với mọi sự phân công nhiệm vụ, anh thuyết phục người yêu cùng đến vùng đất mới, sẵn sàng cho nhiệm vụ lớn của cuộc đời.

Thầy giáo mang quân hàm xanh - Ảnh 1.

Thượng úy Dương Văn Sơn đến nhà kèm em nghèo học bài. (Ảnh tư liệu của Đồn Biên phòng Tân Thắng)

Hành trình đến với vùng biên cương xa gia đình, xa làng xóm cũ với người lính thật tự nhiên, nhẹ nhàng như chính nơi đây là ngôi nhà mới đang chờ đón anh. Đồn Biên phòng Tân Thắng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển nối dài qua các xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải của huyện Hàm Tân. Địa bàn đơn vị đóng quân là nơi tập trung sinh sống của nhiều người dân tộc Chăm, đời sống còn nhiều khó khăn, công việc không ổn định do chủ yếu sinh sống bằng làm rẫy, đi biển. Những đứa trẻ nơi đây muốn đồng hành với con chữ hầu hết phải trải qua thật nhiều vất vả.

Là người cán bộ địa bàn, làm công tác dân vận nên anh luôn chủ động, linh hoạt trong công tác. Tham mưu cho chỉ huy các trường hợp khó khăn, học sinh nghèo có nguy cơ nghỉ học cao để đơn vị có biện pháp giúp đỡ, vận động gia đình tiếp tục để các cháu đến trường. Đồn Biên phòng Tân Thắng cũng là nơi có nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào dân tộc Chăm phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Kế tục truyền thống đó, anh Sơn đã cùng đồng đội tham gia hàng ngàn ngày công góp phần trong mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, giúp dân làm đường, cầu, kênh mương, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí… Mỗi chiến sĩ của đơn vị là một tuyên truyền viên giúp đồng bào chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào địa phương là anh em ruột thịt" không chỉ là lời hứa mà đã trở thành phương châm để hành động, thành niềm hạnh phúc của anh cùng đồng đội. Những người lính cùng dân địa phương đã chan hòa cùng nhau sống, xây dựng, bảo vệ biên giới.

Cứ thế, biên giới trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Trong mắt nhiều đứa trẻ của vùng đất Tân Thắng, thượng úy Dương Văn Sơn là một thầy giáo đặc biệt: Thầy giáo mang quân hàm xanh.

Nâng bước em đến trường

Thực hiện chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, từ năm 2014 đơn vị đã đỡ đầu một số cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500.000 đồng/cháu; tặng các cháu cặp sách, đồ dùng học tập, quần áo, kèm các cháu học… Chủ trương lớn nhưng để lan tỏa thì những người lính trực tiếp sẽ quyết định mọi thành công. Là người theo sát chương trình ngay từ đầu, thượng úy Dương Văn Sơn rất tâm huyết. Càng làm, càng vận động, anh càng thấy chương trình cần thiết cho vùng biên. Làm dân vận và dạy học khó lắm nhưng có quyết tâm làm, có trái tim chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của đồng bào thì sẽ ham làm lắm. Thượng úy Sơn chia sẻ: "Chương trình Nâng bước em đến trường đã để lại những kỷ niệm trong cuộc đời tôi. Không thể nào quên được cả niềm vui, nỗi buồn và lo âu".

Anh kể chuyện đơn vị đỡ đầu cho cháu Thông Thị Thành, học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Thắng. Cháu là người dân tộc Chăm, nhà có 4 chị em gái và Thành là chị cả, em nhỏ nhất 2 tuổi. Hoàn cảnh cháu rất tội nghiệp, mẹ việc làm không ổn định, bố bị tai biến và liệt 2 chân. 4 chị em của Thành sinh ra liền kề, chặng đường đến với con chữ cứ thế dần xa. Gia đình muốn Thành nghỉ học. Là người theo sát quá trình học tập của các cháu, anh Sơn thường xuyên đến thăm, động viên gia đình cố gắng để Thành đến trường.

Một buổi trưa nắng rát của miền gió cát Nam Trung Bộ, trong căn nhà chỉ 15 m2, quây bạt bốn bên, cháu Thành cầm chặt tay thượng úy Dương Văn Sơn, mắt rưng rưng: "Chú ơi, con vẫn muốn đến trường, con vẫn sẽ trông em, vẫn nấu cơm nhưng chú xin cha mẹ để con được đi học". Tiếng khóc như nghẹn nức.

Kỷ niệm cứ thế ùa về. Anh còn nhớ đã ngày ngày vận động gia đình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những buổi tranh thủ giờ nghỉ đưa đón cháu đến trường, quần áo sách vở anh quyên góp rồi gặp gỡ giáo viên trao đổi tình hình học tập của cháu. Nhiều đêm anh xuống tận nhà kèm cháu học những môn còn yếu. Gia đình dần hiểu ra rằng với sự giúp đỡ của xã hội, con của họ hoàn toàn có điều kiện đến trường!

Dân vận khéo léo và gian khổ

Nơi đồng bào còn nhiều khó khăn thì cái đói, cái nghèo cứ át đi tầm quan trọng của con chữ. Có những em học rất giỏi nhưng con đường đến trường mỗi ngày một xa. Như trường hợp em Thông Thị Thùy đã học lên đến lớp 4 nhưng gia đình vẫn quyết cho nghỉ học dù em luôn là học sinh giỏi của trường.

Ở nơi đơn vị đóng quân có nhiều học sinh khó khăn như Thành và Thùy nên ngoài tiền do đơn vị dành dụm để giúp các cháu, những người lính như anh còn tự nguyện đóng góp để mua sách vở, áo quần, đôi khi là phần quà tấm bánh cho các cháu, theo sát để không có cháu nào rơi vào nguy cơ phải nghỉ học bởi đó không chỉ là con đường đến với tương lai của chính các cháu mà còn chính là con đường để biên giới vững mạnh. Một bài toán được giải đúng, một bài học mới đến với các em là thành công của đơn vị, đấy không chỉ của công việc dạy học mà đó còn là kết quả của công tác dân vận khéo léo và gian khổ.

Nhờ những chiến sĩ quân hàm xanh tích cực "nâng bước em đến trường" như anh Sơn mà nhiều em nhỏ ở nơi đơn vị đóng quân đã tiếp tục đến trường.

Thượng úy Dương Văn Sơn tâm sự đời lính là ước mơ nên anh đã dành những năm tháng tuổi trẻ để thực hiện ước nguyện "được bảo vệ biên cương bằng chính cuộc đời mình". Và ước nguyện ấy hôm nay vẫn vẹn nguyên trong anh - người lính biên phòng đầy tâm huyết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo