Sau vụ 4 tiếp viên tạm thời bị cho là "chủ quan" với hành lý, một phi công dương tính với chất cấm... thì nay đến chuyện một số tiếp viên bị phát hiện bán dâm.
Những cá nhân ấy ít hay nhiều đã và đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh ngành hàng không. Dù số lần vi phạm quy định ngành, vi phạm pháp luật chưa đến mức phổ biến để quy cho "văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp" trong mỗi hãng bay mà họ là thành viên có vấn đề, song nó cho thấy chuyện nhắc nhở việc "giữ mình", cũng là giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp, phải được chú trọng hơn.
Sự lỏng lẻo trong kết nối giữa khâu quản lý với nhân viên dẫn đến chậm phát hiện những bất thường, từ đó gây nên đánh giá không tốt trong dư luận là điều có thể thấy.
Để khách hàng yên tâm, vui vẻ lựa chọn dịch vụ bay, bên cạnh thái độ phục vụ trong giờ làm việc, nhân viên hãng hàng không còn cần phải chuẩn mực, chỉn chu khi ứng xử với các mối quan hệ bên ngoài, đồng thời xa lánh những cám dỗ dễ dẫn tới sai phạm.
Để thực hiện điều này, ngoài doanh nghiệp thì Cục Hàng không và thậm chí Bộ Giao thông Vận tải không thể đứng ngoài cuộc.
Hãy đặt ra chế tài rõ ràng, chi tiết, nghiêm khắc đối với các hãng bị hành khách "cho điểm trừ", tùy mức độ để có thể dứt khoát rút "thẻ vàng" hoặc "thẻ đỏ". Điều đó sẽ buộc các hãng bay lựa chọn, sàng lọc cũng như truyền tải giá trị doanh nghiệp đến với thành viên một cách trách nhiệm hơn.
Bình luận (0)