Hơn 4 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, TP HCM đã có những bước chuyển mình đáng kể. Tuy nhiên, Nghị quyết 54/2017 chưa thực sự giúp thành phố giải phóng các nguồn lực để bứt phá. Nhu cầu về một nghị quyết mới thay thế đang trở nên cấp thiết.
Còn nhiều trở ngại
Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố mới đây về giám sát tình hình triển khai Nghị quyết 54/2017, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, chỉ ra một số nội dung triển khai nghị quyết còn chậm. Lý do là còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới phức tạp, có tác động lớn nên khi triển khai cần thận trọng.
Ngoài ra, cơ chế tài chính chưa phát huy như mong đợi, thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Thành phố cũng chưa có nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt không như kỳ vọng, thành phố chưa có giải pháp để tạo động lực nhiều hơn để thu hút.
TP HCM cần nghị quyết mới để giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển mà Nghị quyết 54 chưa làm được. (Ảnh chụp một góc thành phố nhìn từ trên cao) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Còn trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa X vào tháng 7-2022, đại biểu Cao Thanh Bình dù nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết 54 đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn cho rằng chưa như mong muốn. Theo đại biểu, mặc dù là chính sách đặc thù song khi thực hiện vẫn còn theo quy trình cũ.
Tại hội thảo khoa học do Học viện Cán bộ TP HCM phối hợp với cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại phía Nam vừa tổ chức, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng với Nghị quyết 54, cơ chế xin - cho vẫn còn rất nặng nề, chưa tạo được sự chủ động cho địa phương. Còn ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP HCM, nhận xét chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, tỉ lệ tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức trẻ còn thấp và chính sách này lại không áp dụng cho ngành dọc như TAND, VKSND, thi hành án.
Một vấn đề nữa, dân số TP HCM đông dẫn tới khối lượng công việc cán bộ, công chức phải giải quyết nhiều, làm thêm giờ cũng không xuể. Việc biên chế cán bộ, công chức vẫn theo quy định chung của cả nước là một trở ngại lớn cho cải cách hành chính nói riêng, sự phát triển của thành phố nói chung trong triển khai cơ chế đặc thù.
Minh bạch hơn trong phân cấp, ủy quyền
Trước những vướng mắc mà Nghị quyết 54 chưa thể giải quyết, nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đã có những chia sẻ tâm huyết trong các hội nghị, hội thảo hoặc với riêng Báo Người Lao Động về nghị quyết thay thế với hy vọng nghị quyết mới thực sự là "đôi cánh" giúp TP HCM bay cao.
TS Trần Du Lịch, nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nêu quan điểm thành phố thực hiện chính sách đặc thù nhưng quy trình thực hiện lại chưa đặc thù. Vì thế, theo ông, nghị quyết thay thế cần làm rõ ràng, minh bạch hơn nữa trong cơ chế phân cấp, ủy quyền cho TP HCM.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cũng cho rằng khi TP HCM làm việc với các bộ, ngành về nghị quyết mới cần làm rõ, thống nhất các nội dung phân cấp trước khi ban hành. "Cái gì phân cấp được thì phân luôn, chứ không để cho ra đời rồi lại chạy đi xin từng cái, không biết mất bao nhiêu thời gian" - ông Phùng nói.
PGS-TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế - Luật, nói Nghị quyết 54 để cho thành phố tăng quyền tự chủ, có ngân sách để hoạt động. Tuy nhiên, có những cái "cho cũng như không". Điển hình như thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, thành phố có cơ chế với những thuế này nhưng không dám tăng. Ông Phong khẳng định cơ chế phải thật sự đặc thù và thành phố phải hưởng được đặc thù đó.
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quy hoạch chung - Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đề xuất trung ương cho thành phố thử nghiệm mô hình mới, cụ thể là quỹ hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển đô thị với nhà nước và tư nhân cùng tham gia. Theo ông Tuấn, với ngân sách từ quỹ này, TP HCM có thể mời chuyên gia quốc tế, trả mức lương như thị trường và thành phố đặt hàng sản phẩm, giám sát chất lượng.
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề trung ương nên xem xét tăng nguồn ngân sách để lại cho thành phố thay vì 21% như hiện nay để có nguồn lực phát triển hơn, bởi đầu tư cho TP HCM còn có ý nghĩa là đầu tư cho miền Nam và cả nước.
Khái quát Nghị quyết 54 và nhìn về tương lai, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, khẳng định cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 đã tác động tốt đến thành phố trong thời gian qua. Bà đề nghị UBND TP HCM tiếp tục nghiên cứu để một số cơ chế, chính sách được triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Thành phố phải tận dụng tốt cơ chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đừng để xin nhưng không thực hiện được. Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị UBND TP HCM phân tích, xác định rõ nguyên nhân những nội dung không thực hiện được, kể cả nội dung chưa làm được. Chắc chắn Quốc hội sẽ có giám sát về thực hiện Nghị quyết 54 trước khi ban hành nghị quyết mới, do đó phải chỉ ra được những nguyên nhân...
Đề xuất nhiều nội dung quan trọng
TP HCM đã kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong đó, thành phố kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù cho đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM; cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức; phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM như quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, kinh tế, đô thị môi trường, văn hóa - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8
Bình luận (0)