Sự ra đời của Nghị quyết 54 của Quốc hội (QH) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã khẳng định sự chỉ đạo kịp thời, sâu sắc, quyết liệt của Bộ Chính trị và sự lãnh đạo chủ động, phối hợp hiệu quả cao của QH vì thành phố, vì cả nước.
Nỗ lực xuyên dịch
Thành phố có 5 năm thí điểm thì 2 năm gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, tuy vậy vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
Về thu phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp, vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của 2.710 cơ sở công nghiệp ở thành phố có xử lý nước thải và các cơ sở này chấp hành tốt. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Trong 3 năm rưỡi qua, thành phố đã thu khoảng 132 tỉ đồng, tăng hơn 6 lần so với trước. Con số 132 tỉ đồng chưa phải là lớn nhưng có ý nghĩa tạo thái độ ý thức chấp hành môi trường tốt, giảm nguồn ô nhiễm.
Ở nội dung vay để bổ sung ngân sách, Chính phủ cho phép vay không quá 90% mức thu ngân sách thành phố được hưởng và đến nay thành phố đã vay khoảng 24.000 tỉ đồng, tức mới chỉ sử dụng 1/3 mức vay tối đa cho phép. Việc bổ sung 24.000 tỉ đồng rất quý và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa, mạnh dạn vay mức cao hơn.
TP HCM đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển một cách đột phá. (Ảnh một góc TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nghị quyết 54 cho thành phố được tạm ứng ngân sách để triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3, sau đó vào nhiệm kỳ ngân sách mới thành phố trả lại. Nhưng qua bàn bạc với trung ương và các tỉnh có liên quan, QH quyết định là TP HCM và các tỉnh này bỏ ra 50%, trung ương bỏ ra 50%. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nhiều năm loay hoay thì nay đã tìm ra công thức để thực hiện đường Vành đai 3.
Đặc biệt thành phố đã kiến nghị và được QH tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21% năm 2022. Đây là việc thay đổi có tính đột phá bởi từ năm 2003 đến năm 2021, tỉ lệ điều tiết chỉ giảm, từ 33% còn 18% vào năm 2017-2021.
Ở nội dung thu phí hạ tầng cảng biển, không thuộc Nghị quyết 54 nhưng thành phố đã triển khai từ ngày 1-8 năm nay, chậm hơn Hải Phòng hơn 5 năm. Quy định này được các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Bình quân một tháng thành phố thu khoảng 7 tỉ đồng, một năm khoảng 90 tỉ đồng. Việc thu này là để phát triển hạ tầng giao thông xung quanh cảng.
Còn nhiều nuối tiếc
Có một số việc chưa như kỳ vọng. Cụ thể như bán tài sản gắn liền với đất ở thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng đến nay, không tài sản nào được bán. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp vướng hướng dẫn của bộ, ngành trung ương nên không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào, cũng không thu được tiền. Khi doanh nghiệp nhà nước của thành phố thoái vốn thì thành phố được bổ sung vào ngân sách nhưng thực tế, khi doanh nghiệp thoái vốn thì theo quy định hiện nay vốn đó nộp về công ty mẹ cũng là doanh nghiệp nhà nước chứ không chuyển vào ngân sách thành phố nên thành phố cũng không có tiền.
Bên cạnh đó, thành phố đã quyết định 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì chỉ triển khai được 15 dự án với diện tích đất là 1.371 ha, chiếm 74%. Có 6 dự án nhóm A được phê duyệt thì 3 dự án phải dừng do thiếu vốn. Ngoài ra, khi thành phố vượt thu phần ngân sách để lại cho thành phố thì được để lại 70% phần vượt thu nhưng thực tế không có vượt thu đáng kể nên không có phần bổ sung dành cho thành phố.
Có thể nói, trong 12 nhiệm vụ chủ yếu, có 6 nhiệm vụ thành phố đã triển khai đạt kết quả tốt, góp phần tạo động lực cho thành phố phát triển. 2 nhiệm vụ đã triển khai nhưng kết quả chỉ dừng lại ở giai đoạn đang triển khai và 4 nhiệm vụ đã triển khai không có kết quả.
Vấn đề phân cấp ủy quyền của TP HCM cho quận, huyện, sở, ngành hoặc TP HCM cho TP Thủ Đức; hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức; vay vốn thông qua phát hành trái phiếu của địa phương hoặc vay lại của ngân sách trung ương từ 90% hiện nay lên 120%... là những vấn đề TP HCM đang muốn trung ương tạo điều kiện để chủ động hơn.
Những đầu việc quan trọng
Vừa qua, thành phố đã phân cấp 59 nhiệm vụ của UBND thành phố cho các sở, ngành và UBND quận, huyện, phân cấp 26 nhiệm vụ của chủ tịch UBND thành phố cho giám đốc sở, ngành, chủ tịch quận, huyện. Như vậy tổng cộng 85 nhiệm vụ ở cấp thành phố đã phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện. Đồng thời, thành phố đã cho phép quận, huyện được phân cấp 7 nhiệm vụ cho xã, phường, thị trấn.
Để phát triển tương xứng với vị thế và kỳ vọng của cả nước gửi gắm, bên cạnh công tác tổ chức, TP HCM cần chủ động các nguồn lực và thêm nguồn tài chính hơn nữa, trong đó, thu hút tốt hơn nguồn lực của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp với khu vực có diện tích 10 ha trở lên và quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nhóm A. Cùng với đó, kiến nghị trung ương, QH nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách lên 23% và được quyền xác định một số loại phí phù hợp với sự đa dạng của kinh tế thành phố.
Là địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước và tỉ lệ vốn đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài trên đầu tư từ ngân sách cao nhất cả nước, cứ 1 tỉ đồng chi ngân sách đem lại hơn 4 tỉ đồng thu ngân sách. Vì vậy tăng chi cho ngân sách thành phố sẽ đem lại tăng thu cho ngân sách trung ương.
Nguồn lực vốn để tăng đầu tư phát triển thành phố từ đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là một yếu tố quan trọng nữa. Đây là điểm yếu kéo dài của thành phố, vừa qua khắc phục không hiệu quả (chỉ số cạnh tranh địa phương của thành phố năm 2016 là thứ 8/63, 2018 là 10/63, 2020 là 14/63; chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2017 là thứ 10/63, 2019 là 7/63, 2020 là 23/63, 2021 là 43/63), vì vậy môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố phải được chú trọng hơn và cải thiện thật tốt.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 nói riêng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung của TP HCM còn có những giai đoạn thiếu tập trung, quyết liệt, sự lãnh đạo của Thường vụ Thành ủy còn hạn chế. Sự chậm cải tiến cách phối hợp giữa lãnh đạo thành phố và các bộ, ngành trung ương là một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết các khó khăn kéo dài, không hiệu quả. Do vậy, tăng tần suất báo cáo với trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; tăng việc giám sát của Thành ủy, HĐND, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đối với UBND thành phố; hằng tháng phải có báo cáo chuyên đề... cũng phải là những đầu việc quan trọng TP HCM làm trong thời gian tới.
Để cán bộ yên tâm làm việc
Đối với cán bộ công chức, trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trong vòng 5 năm thì mức tăng thêm tối đa không quá 1,8 lần lương theo định mức mỗi loại công việc. Thực tế những năm vừa qua, năm cao nhất là 2019 thì cũng tăng thêm tối đa là 1,2 lần. Dù còn khiêm tốn nhưng mức tăng này là sự động viên rất lớn đối với cán bộ, công chức khi họ phải làm việc tại nơi mà dân số cấp quận, huyện bình quân gấp 3 lần cả nước.
TP đã hỗ trợ thêm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, kể cả viên chức trong ngành y tế, từ đó góp phần tạo cuộc sống ổn định hơn, thuận lợi hơn để cán bộ, công chức yên tâm vào cuộc cùng TP. Đây là bài học rất quan trọng.
Thu hút vốn, đầu tư đúng và trúng
5 năm thực hiện Nghị quyết 54 (tháng 12-2017 đến tháng 11-2022), TP cùng cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19 và bảo vệ cuộc sống của người dân, duy trì năng lực của doanh nghiệp và nền kinh tế. Năm 2020, kinh tế TP tăng trưởng 1,39%, năm 2021 suy giảm 5,5%. GRDP cuối năm 2021 chỉ bằng 96% năm 2019. Đây là khó khăn, làm chậm lại sự phát triển của TP, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Nghị quyết 54.
Do đó, TP HCM cần quyết liệt trong thu hút nguồn vốn xã hội. Cùng với đó, đầu tư hạ tầng cho đúng, cho trúng cả hạ tầng chung và hạ tầng phục vụ kinh tế trí thức công nghệ cao. Đặc biệt, TP phải tự quản lý mình tốt hơn, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhân dân đánh giá và Đảng chịu trách nhiệm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8
Bình luận (0)