Dư luận tại các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức về môi trường quốc tế những ngày qua rất lo ngại trước thông tin Campuchia triển khai dự án đập thủy điện Sambor trên dòng Mê Kông.
Xây thủy điện ở "vị trí tồi tệ"
Đập Sambor do Công ty Lưới điện Nam Trung Quốc thiết kế, có hồ chứa rộng 620 km2. Khi hoàn thành, đây sẽ là đập thủy điện có công suất khoảng 2.600 MW. Quy mô của dự án này lớn hơn cả dự án Xayaburi ở Lào. Sambor trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi một nghiên cứu kéo dài 3 năm của Viện Di sản thiên nhiên (NHI, trụ sở Mỹ) bị rò rỉ.
Theo NHI, kế hoạch được Trung Quốc hậu thuẫn này sẽ hủy hoại nguồn thủy sản của sông Mê Kông đang bảo đảm an ninh lương thực cho khoảng 60 triệu người ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các chuyên gia NHI cảnh báo đập Sambor sẽ trở thành rào cản đối với sự di cư của cá từ Biển Hồ, một chi lưu quan trọng của sông Mê Kông, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu, nơi đất nông nghiệp đồng bằng bị phá hủy do xâm nhập mặn từ nước biển.
Báo The Guardian dẫn nội dung báo cáo nhận định Sambor ở tỉnh Kratie - Campuchia là vị trí "tồi tệ nhất để xây thủy điện" vì nó có thể "giết chết sông Mê Kông theo đúng nghĩa đen". Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và nhiều tổ chức môi trường quốc tế, công ty Trung Quốc nói trên đã rút khỏi dự án Sambor năm 2008.
Chính phủ Campuchia năm 2014 thuê NHI tiếp tục nghiên cứu và đã nhận được báo cáo vào năm ngoái nhưng vẫn giữ kín cho đến giờ. Điều này làm dấy lên nỗi lo nước này quyết thúc đẩy dự án bất chấp những tác hại tiềm tàng của nó. Nếu dự án được thông qua, Tổ chức Các dòng sông quốc tế (Mỹ) cảnh báo dự án này sẽ là sai lầm bi thảm và đắt giá đối với Campuchia bởi nó đe dọa nguồn thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh lương thực nước này.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thủy điện nằm trên dòng Mê Kông Ảnh: THỐT NỐT
Việt Nam phải lo ứng phó
TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho biết đây là đập ở cuối nguồn nên phù sa đi tới Sambor sẽ tiếp tục bị giữ lại thêm sau khi đã bị mất khá nhiều ở những đập phía đầu nguồn, làm nặng hơn tình trạng mất phù sa. Nghiên cứu của Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) cho thấy đến năm 2040, lượng phù sa đến ĐBSCL chỉ còn 4% trong tổng số phù sa đến hiện nay là 150-160 triệu m3/năm.
Thực tế, ngay cả khi chưa tính đến tác hại của Sambor thì một báo cáo của MRC cũng đã chỉ ra rằng nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào là Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động thì tổng lượng dòng chảy giảm 6,2%/tháng; xâm nhập mặn trên sông Tiền và Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8 km. Với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 27%/tháng; xâm nhập mặn sẽ vào sâu 10-18 km.
ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu (BĐKH) TP Cần Thơ, cho rằng cần có hệ thống trị thủy cho ĐBSCL ứng phó sự thay đổi trên dòng Mê Kông. Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ sông Mê Kông mới là biện pháp hữu hiệu. Hiện nay, chúng ta có nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đập thủy điện nhưng không hoàn chỉnh. Đập Trà Sư (An Giang), mấy đập ngoài bờ biển Bến Tre, Trà Vinh và sắp tới có thêm các đập ở Kiên Giang. Chưa rõ ngành chức năng có tính toán liên kết các đập này thành hệ thống trị thủy cho ĐBSCL hiệu quả hay không. "Như vào mùa hạn những năm trước, không có nước cung cấp cho dân. Dự báo có lũ lụt đầu mùa mưa đến khi có lũ thì lúa bị ngập nhưng không có biện pháp điều chỉnh mực nước để đẩy nước nhanh chóng ra biển. Vì vậy, cần có hệ thống quản lý trị thủy tổng hợp liên kết với nhau cho cả đồng bằng thì sẽ ứng phó được sự thay đổi trên sông Mê Kông" - ông Vinh dẫn chứng.
"Gánh" 20 thủy điện
Trong 20 thủy điện dự kiến làm ở dòng chính sông Mê Kông thì có 8 thủy điện của Trung Quốc và 12 thủy điện của 2 nước Lào, Campuchia. Trong đó, đập thủy điện Sambor của Campuchia chính là con đập lớn nhất trên hệ thống dòng chính với bụng chứa lớn và chiều dài lên tới hơn 10 km.
TS Naruepon Sukumasvin, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế, nhìn nhận điều khiến các chuyên gia lo ngại là lượng cát thô nằm trong phù sa sẽ không còn về ĐBSCL nữa. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê Kông sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD. Theo đó, xuất khẩu cá da trơn có giá trị hàng tỉ USD của Việt Nam bị đe dọa, do cá da trơn phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư.
Bình luận (0)