Trưa 10-12, tại công trường xây dựng cầu An Phú Đông phía quận 12 (TP HCM), nhiều xe tải đang chờ ra hiệu để chạy thử tải, một tốp công nhân chuẩn bị lắp đèn cùng những biển báo còn lại. Ở công trường phía bên kia cầu nối ra đường Nguyễn Thái Sơn (phường 5, quận Gò Vấp), xe lu đang lu lèn mặt cầu sau khi thảm nhựa.
Mong chờ từng ngày
"Hôm nay họ bắt đầu thử tải, từ sáng đến giờ cả chục xe tải chạy qua lại rồi. Bà con chúng tôi vui mừng lắm, để ăn mừng, thứ ba tuần sau cả xóm hùn tiền mở tiệc" - anh Nguyễn Văn Tài vui vẻ khoe khi trao đổi với chúng tôi về cầu An Phú Đông. Anh Tài cho hay gia đình anh đã ba đời gắn bó với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng An Phú Đông. Theo anh, hồi trước năm 1975, để qua sông Vàm Thuật nối 2 bờ quận 12 và Gò Vấp, dù cách nhau hơn 100 m nhưng người dân cứ thấy xa vời. Để rồi 15 năm trước, phà đi vào hoạt động, đi lại dễ dàng hơn nhưng bà con vẫn thấy bất tiện vì phải tốn phí, nhiều trường hợp cấp cứu, sinh đẻ cũng khó khăn. "Như gia đình tôi có 3 đứa con đi học bên kia bờ, mỗi ngày phải tốn 40.000 đồng cho 10 lượt đi lại. Sắp tới cầu thông xe, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm 1,2 triệu đồng" - anh Tài tính.
Người dân đường Vườn Lài, phường An Phú Đông (quận 12, TP HCM) chia sẻ niềm vui khi cầu An Phú Đông sắp thông xe
Không chỉ việc đi lại thuận tiện hơn, chị Nguyễn Thị Hoài Phương - Tổ trưởng tổ 27, khu phố 2, phường An Phú Đông - khẳng định rồi đây cây cầu sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. "Trước đây, kinh tế chính của vùng này là trồng trọt, chăn nuôi nhưng kể từ khi cây cầu khởi công, nhiều hộ đã mở thêm hàng quán, tiệm tạp hóa góp phần nâng cao thu nhập" - chị Hoài Phương thông tin. Bằng chứng là góc sân nhỏ nhà anh Nguyễn Văn Tâm (đường Vườn Lài, phường An Phú Đông) từ ngày công trình cầu An Phú Đông khởi công bỗng trở thành quán cà phê dã chiến cho người dân trong xóm. Mỗi ngày anh bán chừng chục ly cà phê nhưng vẫn vui vẻ phục vụ để cùng bà con ngắm nghía rồi bàn luận về tương lai khi cây cầu chính thức thông xe.
Tương tự, ở phía Nam, người dân huyện Nhà Bè nôn nao từng ngày chờ cầu Phước Lộc (nối 2 xã Phước Kiển và Phước Lộc) thông xe. Bà Nguyễn Thị Tư (xã Phước Lộc) cười tươi nói: Sau 2 tháng hợp long cầu Phước Lộc, ngày nào bà cũng ra ngắm nghía công trình xem sắp thông xe chưa. "Từ ngày khởi công cầu mới đến nay đã 8 năm rồi, bà con nóng ruột lắm vì việc đi lại của người dân quanh khu vực rất khó khăn do cây cầu sắt yếu, cũ lại chỉ cho xe máy đi qua. Cầu mới to và cho mọi loại xe qua lại, tôi sẽ mua xe tải cho con trai tôi mở cửa hàng vật liệu xây dựng" - bà Tư khoe về dự định của mình.
Trong khi đó, ghi nhận ở công trường xây dựng cầu Phước Lộc cho thấy các đường dẫn, cầu dẫn, mố cầu và trụ cầu đã hoàn tất. Công nhân đang hoàn thiện các hạng mục thảm nhựa, lắp đặt lan can, biển báo…
Thông xe trong tháng 12-2020
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư cầu An Phú Đông) - cho biết cầu An Phú Đông được khởi công từ tháng 2-2020 với tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng, cầu dài 238 m, rộng 12,5 m cho 2 làn xe và 2 lề cho người đi bộ; đồng thời xây dựng cải tạo đường dân 2 bên cầu với chiều dài 1.166 m, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, kè bê-tông cốt thép dọc bờ sông Vàm Thuật. Hiện nay mọi việc đang được thực hiện khẩn trương để thông xe đúng tiến độ đề ra là trong tháng 12. Về hiệu quả của công trình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, đánh giá địa phương và người dân rất phấn khởi bởi đây là công trình tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho phường An Phú Đông nói riêng, cả quận 12 nói chung với nhiều kế hoạch dài hạn sắp được triển khai.
Cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP HCM) đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng Ban Điều hành dự án đường bộ 4 (thuộc Ban Giao thông) - cho biết trải qua nhiều khó khăn đến nay, công trình cầu Phước Lộc đã đạt 95% khối lượng công việc. "Đơn vị thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để kịp thông xe trong tháng 12 này. Việc thông cầu sẽ giúp phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng, tăng cường khả năng lưu thông cho các tuyến đường lân cận như Lê Văn Lương, Nguyễn Bình…
Tại lễ hợp long cầu Phước Lộc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nhận định đây không chỉ là tiền đề quan trọng kết nối giao thông hai xã Phước Lộc và Phước Kiển mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đô thị hóa, tăng liên kết với các tỉnh lân cận, mở ra bước phát triển mới cho Nhà Bè trong tiến trình lên quận.
Giá đất An Phú Đông, Phước Lộc tăng từng ngày
Những ngày này đến các xóm xung quanh 2 cây cầu An Phú Đông và Phước Lộc, ở đâu chúng tôi cũng nghe bàn đến giá đất. Đơn cử, dọc đường Vườn Lài hiện dày đặc những tấm bảng rao bán đất. "Cách đây hơn chục năm, đất ở đây bán chỉ khoảng 300.000 đồng/m2 nhưng giờ 30 triệu đồng chưa chắc mua được 1 m2" - bà Nguyễn Thị Tư (ngụ An Phú Đông) nói. Theo ghi nhận, giá đất nơi đây đang tăng từng ngày.
Bình luận (0)