Trước những giá trị đặc biệt về khảo cổ học của hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục giao cho TS La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) chủ trì đề tài nghiên cứu điều tra thăm dò khảo cổ thuộc dự án "Xây dựng bộ mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam".
Phát hiện loại hình cư trú mới
Những hố thám sát đã được các nhà khoa học ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đào ngay khu vực cửa hang C6.1 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. TS Phúc cho hay các hố thám sát này được chia làm hai mức. Mức 1 gồm lớp mặt dày khoảng 0,3 m phía trên và mức 2 dày khoảng 0,5 m phía dưới.
Trong những hố thám sát, các nhà khoa học đã tìm thấy 2 hố đất đen là vết tích bếp lửa do người tiền sử sử dụng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện rất nhiều di vật đồ đá, đồ đồng, mũi tên đồng, gồm, xương và vỏ nhuyễn thể...
"Các di vật gốm tìm thấy cứng và mỏng đều, chứng tỏ chúng được nung ở nhiệt độ khá cao. Các mũi nhọn xương là loại hình công cụ khá độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên" - ông Phúc hào hứng.
Dấu vết di cốt người tiền sử được các nhà khoa học khai quật ở hang động núi lửa Krông Nô Ảnh: Như Lai
Kết quả cuộc điều tra thăm dò khảo cổ này đã ghi nhận trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và nhiều hoạt động sinh sống của các bộ lạc thời tiền sử. Niên đại sớm nhất có thể là Sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là cư dân Trung kỳ Đá mới cách đây khoảng 6.000-7.000 năm và cuối cùng là con người rời hang vào Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí.
"Lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới - một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên" - TS Phúc xúc động.
Về việc tại sao trên vùng đất Tây Nguyên có rất nhiều địa điểm khảo cổ bên ngoài nhưng chưa tìm thấy di tích người mà lại tìm thấy di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa, ông Phúc lý giải: "Với môi trường bên ngoài, do biên độ dao động nhiệt lớn nên kích thích quá trình thoái hóa và hệ vi sinh vật phân hủy nhanh chóng. Trong khi đó, trong hang động, điều kiện nhiệt độ bình ổn dao động 22-26 độ C; hơn nữa, hệ vi sinh vật nghèo, thấp hơn bên ngoài đến hàng chục ngàn lần nên tốc độ phân hủy hữu cơ rất chậm".
Từ xương thú đến răng người
Tiếp đó, từ tháng 8-2017, TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô" (kéo dài đến tháng 8-2020).
PGS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã chủ trì cuộc khai quật khảo cổ trong khuôn khổ đề tài này. Tham gia cuộc khai quật còn có PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS Lê Xuân Hưng, Trường ĐH Đà Lạt và các chuyên gia Viện Khoa học xã hội, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, Bảo tàng Đắk Nông…
Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học xem xét tỉ mỉ từng vụn đất bằng phương pháp thủ công để tìm kiếm các di vật khảo cổ. PGS-TS Nguyễn Lân Cường nhớ lại: "Ngày 15-12-2017, các nhà khoa học thăm dò khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô đã phát hiện xương trồi lên. Kết quả này khiến các nhà khoa học cực kỳ vui sướng bởi nếu đúng là xương người thì đây là bước ngoặt của ngành khảo cổ khi lần đầu tiên ở Việt Nam có di cốt người trên vùng đất Tây Nguyên".
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường, việc phát hiện di cốt người tiền sử ở Đắk Nông là cực kỳ quan trọng. Ông cho biết đã lập tức đến Krông Nô để vào hang xem "chiếc xương chi người" trồi lên như lời kể. "Tuy nhiên, thật đáng thất vọng, khi quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy chiếc xương này giống xương chày của con người thật nhưng hóa ra lại là xương chày của hươu, nai. Khi đó, chúng tôi rất buồn vì hy vọng tìm thấy xương người tiền sử ở Tây Nguyên tạm khép lại. Hàng trăm năm nay, các nhà khảo cổ vẫn tìm kiếm xương người tiền sử trong hang núi lửa mà vẫn chưa thấy" - ông Cường bày tỏ.
Thế nhưng, "ông trời" đã không phụ lòng các nhà khoa học. Vào ngày 18-3-2018, trong quá trình rửa hiện vật của hang C6-1, PGS-TS Nguyễn Lân Cường phát hiện 1 chiếc răng khôn bên phải hàm trên của con người xen lẫn trong các công cụ đá, xương động vật…
Chưa từng phát hiện xương, răng
Trước đó, PGS Nguyễn Khắc Sử, người từng gắn bó rất nhiều năm với Tây Nguyên, đã tiến hành khai quật các di chỉ khảo cổ ở vùng đất này và phát hiện hàng vạn công cụ đá nhưng chưa từng tìm được xương hay răng người.
Ông Sử giải thích: Hàng vạn công cụ lao động bằng đá đó tồn tại suốt từ 7.000 - 4.000 năm trước Công nguyên. Tổ hợp công cụ mang đặc trưng riêng của Tây Nguyên kế thừa những thành tựu của cư dân thuộc Văn hóa Hòa Bình. Điều này đồng nghĩa với việc cư dân Văn hóa Hòa Bình sinh sống khoảng 10.000 - 7.000 năm trước Công nguyên. Khi kết thúc quá trình đó, một nhóm cư dân di chuyển xuống dưới hang và tiếp tục sinh sống. Tuy nhiên, thay vì hang đá vôi như người Hòa Bình thì những cư dân này sống trong những hang núi lửa và vẫn duy trì việc chế tác công cụ.
Kỳ tới: Những vết tích đầu tiên
Bình luận (0)