Ngày 27-6, trả lời trong buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP HCM, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP, nhìn nhận công tác thi hành án dân sự hiện có 2 vấn đề lớn. Đó là cán bộ bắt tay với các tổ chức đấu giá nhằm trục lợi và cán bộ bắt tay với đương sự để thi hành án trục lợi, ăn chia số tiền thi hành án.
Ông Hòa dẫn chứng trường hợp một chấp hành viên đã bị xử lý hình sự vào tháng 12-2022. Theo ông, vụ việc này cho thấy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ thi hành án chưa được chú trọng, dẫn đến cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở, điều kiện ngặt nghèo để trục lợi.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM cũng nhìn nhận vẫn còn một số "con sâu làm rầu nồi canh". Do đó, Cục Thi hành án dân sự đang làm kỹ công tác này.
Cụ thể, Thi hành án dân sự TP HCM đưa ra các tiêu chí để nhận diện cán bộ tiêu cực trong hoạt động thi hành án; thành lập các tổ theo dõi, kiểm tra, giám sát, yêu cầu xử lý nghiêm từng trường hợp đối với sau phạm trong hoạt động đấu giá, định giá...
"Hiện Cục thi hành án dân sự đang tập trung làm công tác giáo dục tư tưởng, công tác tự kiểm tra, tập trung cao độ để khi phát hiện những trường hợp có vấn đề sẽ xử lý nghiêm, đối chiếu các quy định phòng chống tham nhũng, buộc thôi việc hoặc tinh giảm biên chế, kỷ luật. Vừa rồi, qua kiểm điểm, Cục Thi hành án dân sự TP đã xử lý hàng loạt cán bộ, quyết tâm lấy lại hình ảnh của cán bộ công vụ trong thời gian tới. Việc này chúng tôi khẳng định phải làm bài bản, thể hiện quyết tâm cao, hy vọng thời gian tới tình hình tiêu cực trong hệ thống Thi hành án dân sự TP HCM sẽ giảm tuyệt đối" - ông Hòa cho biết.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM Lê Minh Đức đánh giá tình hình việc thi hành án hành chính còn rất thấp, nhiều bản án kéo dài trên 3 năm chưa thi hành.
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, 7 tháng đầu năm 2023, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành là 235 song chỉ mới thi hành 37 bản án, quyết định.
Ông Đức đánh giá việc thi hành án hành chính đạt tỉ lệ rất thấp gây bức xúc cho người dân. "Dân đi kiện quan, dân thắng rồi mà chờ thi hành rất lâu. Mong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự sẽ có những biện pháp cụ thể hơn để đẩy nhanh tiến độ thi hành án" - ông Đức nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là chính quyền, cơ quan khối nội chính, tăng cường phối hợp với lực lượng Thi hành án dân sự để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, nhất là án hành chính.
Bà Lệ cũng đề nghị TAND TP HCM quan tâm, chỉ đạo khắc phục các bản án tuyên không rõ; khắc phục tình trạng quyết định, bản án chuyển giao cho Cục Thi hành án dân sự không đúng thời hạn, kéo dài.
Theo bà Lệ, thậm chí có những trường hợp qua thời hạn phản hồi mà toà án vẫn không trả lời. Bà đề nghị rà soát lại quy chế phối hợp giữa các cơ quan, cụ thể căn cứ quy chế, nếu quá thời hạn bao lâu chưa trả lời thì có nghĩa cơ quan phối hợp đồng ý với việc thi hành án đang làm.
Chủ tịch HĐND TP HCM ghi nhận các kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự về việc: Đề nghị lãnh đạo, chủ tịch UBND TP quan tâm, chỉ đạo thi hành dứt điểm các bản án hành chính có hiệu lực pháp luật; tăng cường chỉ đạo lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, sở, ngành tổ chức thi hành án hành chính theo đúng quy định của pháp luật, xử lý các tổ chức, cá nhân không thi hành án, chậm thi hành án; kiến nghị UBND TP HCM quan tâm, giải quyết bố trí đất để đầu tư các kho vật chứng cho các chi cục Thi hành án dân sự tại TP Thủ Đức và các quận, huyện: 1, 5, 10, 11, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Củ Chi, Nhà Bè.
Theo Chủ tịch HĐND TP HCM,n đối với các trường hợp chưa bố trí được thì kiến nghị Sở Tài chính xem xét, hỗ trợ kinh phí thuê kho vật chứng.
Qua thực tế giám sát của Ban Pháp chế, nhiều nơi xử lý tang vật, như xe gắn máy..., không có kho, bãi trong khi vụ án kéo dài, tài sản để ngoài trời lâu không còn giá trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, rình rập nguy hiểm cho đời sống người dân vì hầu hết các kho này nằm ở địa bàn dân cư.
Bình luận (0)