Ngay khi nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Quốc hội khóa I thông qua vào ngày 9-11-1946 - cũng nêu rõ đặc trưng cơ bản của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Hành trình lịch sử đã chứng minh dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay giai đoạn nào, việc kiến tạo bộ máy nhà nước "của dân, do dân, vì dân" đều được Đảng ta thực hiện và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Dù vậy, Đảng vẫn nghiêm túc nhìn nhận rằng bộ máy nhà nước không chỉ nặng nề mà còn nhiều hạn chế trong việc phục vụ, dẫn đến hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều nơi còn sách nhiễu, gây phiền hà cho dân.
Bộ phận một cửa của UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ,chiều 22-6 Ảnh: SONG ANH
Chính vì vậy, cùng với xây dựng chính phủ kiến tạo và liêm chính, việc Chính phủ ban hành Nghị định 61 với mục tiêu "lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng và tiến độ giải quyết thủ tục hành chính và kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá" được kỳ vọng là sẽ tạo ra những đột phá trong việc phục vụ nhân dân.
Thực ra, những năm qua, nhiều địa phương, bộ, ngành đã triển khai thí điểm cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Dù còn những vấn đề phải chỉnh sửa nhưng hiệu quả là rất rõ: Người dân và doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều thời gian hơn cho việc giải quyết thủ tục hành chính; bộ máy nhà nước thông quá đó xây dựng được hình ảnh thân thiện hơn với dân, tiêu cực qua giải quyết thủ tục hành chính cũng chắc chắn giảm.
Với Nghị định 61, Chính phủ đã quy định rất rõ không chỉ về nguyên tắc, quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mà còn cả những hành vi mà cán bộ, công chức không được làm, như: Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi… Kèm theo đó là trách nhiệm của người đứng đầu cũng như người làm việc tại bộ phận một cửa. Nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp… cũng được quy định rõ ràng.
Nói cách khác là vấn đề một cửa, một cửa liên thông nay đã được luật hóa. Vấn đề còn lại là ở triển khai mà việc quan trọng đầu tiên là chọn được cán bộ, công chức đủ tâm, tầm để thực hiện. Các cấp, ngành, địa phương trong phạm vi điều chỉnh của nghị định cần tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, xem đây là thời cơ hành động để tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Bình luận (0)