Đến nay, có 7 nước thành viên tham gia cơ chế một cửa ASEAN, gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, 5 nước là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố sẵn sàng kết nối cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12-2015.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia (Ban Chỉ đạo), cơ chế một cửa quốc gia được triển khai qua 3 giai đoạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu tại lễ công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN.Ảnh: TTXVN
Giai đoạn 1, Bộ Tài chính phối hợp với 2 bộ Giao thông Vận tải và Công Thương thực hiện nhiều thủ tục hành chính một cửa liên quan đến các lĩnh vực quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại 5 cảng biển quốc tế (Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu); thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu có xuất xứ ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô tô phân khối lớn; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ozone.
Giai đoạn 2, cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Các thủ tục nói trên sẽ được triển khai trong giai đoạn từ tháng 9 đến hết năm nay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết cơ chế một cửa quốc gia sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, như rút ngắn 15%-30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, hầu hết hồ sơ của doanh nghiệp phải nộp/xuất trình sẽ được điện tử hóa, từ đó giảm thời gian và chi phí chuẩn bị hồ sơ.
Bình luận (0)