Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo trong 3 tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85%-95%.
Khoảng 2-4 cơn bão sắp ảnh hưởng trực tiếp nước ta
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 10-2023, trên biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất 80%-90%; dự báo có khoảng 2-4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ và các tỉnh, thành phía Nam.
Dự báo từ nay đến tháng 10-2023, khoảng 2-4 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong ảnh: Các lực lượng ứng phó bão số 1 tại Quảng Ninh
Dự báo nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 8-2023 với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 9-2023, nắng nóng còn có khả năng xảy ra ở Bắc và Trung Trung Bộ với cường độ giảm dần so với các tháng trước.
"Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam gây ra gió mạnh, sóng lớn làm ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn quốc" - ông Hoàng Phúc Lâm nhận định.
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 8 đến tháng 10-2023 phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Riêng những tháng mùa đông năm 2023-2024, nền nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về lượng mưa, ở khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 8 đến tháng 9-2023 tại khu vực vùng núi phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm 5%-10%; vùng trung du ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, khu vực đồng bằng và ven biển cao hơn khoảng 5%-15%. Đến tháng 10-2023, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đối với khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa tháng 8-2023 cao hơn khoảng 5%-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tháng 9-2023 ở mức xấp xỉ, tháng 10-2023 thấp hơn 10%-25%, riêng Nam Trung Bộ thấp hơn 5%-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa tháng 8-2023 phổ biến cao hơn khoảng 5%-20%, tháng 9 cao hơn 5%-15%, riêng tháng 10 thấp hơn khoảng 5%-10% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Hoàng loạt đợt triều cường ở Đông Nam Bộ
Về tình hình thủy văn trong 3 tháng tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà, sông Gâm, sông Chảy thiếu hụt 10%-50% so với trung bình nhiều năm. "Dù vậy, nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc" - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo.
Ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9-2023, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 3-4 đợt lũ. Đến tháng 10, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ.
Từ tháng 8 đến tháng 9-2023, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện nước dâng do bão/áp thấp nhiệt đới. Ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể xuất hiện nước dâng do bão/áp thấp nhiệt đới và gió mạnh từ tháng 10 đến 11-2023. Các đợt sóng lớn kết hợp với nước dâng do bão và áp thấp nhiệt đới, gió mùa mạnh làm tăng nguy cơ sạt lở bờ biển.
Về triều cường, trong tháng 10 và 11-2023, ven biển Đông Nam Bộ có 7 đợt. Trong đó, có 4 đợt triều cường cao, mực nước tại trạm Vũng Tàu vượt mức 4 m. Các đợt triều cường này nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam thì khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường tại các tỉnh, thành ven biển khu vực Đông Nam Bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt với xác suất trên 70%.
Trong khi đó, tại ven biển Tây Nam Bộ, giai đoạn từ ngày 15-8 đến tháng 10-2023, trong một số đợt gió mùa Tây Nam mạnh có thể xuất hiện triều cường kết hợp với sóng lớn gây sạt lở đê biển, nhất là vùng ven biển Tây Cà Mau. Ngoài ra, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Cường độ thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra và khả năng 90% kéo dài đến cuối năm 2023 ở cường độ trung bình hoặc cao hơn.
Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, cho biết El Nino là hiện tượng gia tăng nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực Xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương, thường gây thiệt hại mùa màng, lũ quét hoặc cháy rừng.
Trong tháng 7-2023, những trận mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người. Trong khi đó, Philippines và Campuchia cũng chứng kiến lũ lụt lan rộng gây gián đoạn giao thông ở các thành phố lớn.
Các nhà khoa học cảnh báo tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra ngày càng nghiêm trọng. Châu Á, nơi ước tính có 4,4 tỉ người sinh sống, đặc biệt dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn dẫn tới thiếu nước, mất mùa và suy thoái kinh tế.
X.Mai
Bình luận (0)