Ngày 6-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Kê khai tài sản sĩ quan quân đội, công an
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết để khắc phục những hạn chế luật hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm với mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt lo ngại nếu không quy định chặt chẽ kiểm soát tài sản thì sẽ có tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con”
Bà Lê Thị Nga trình bày: Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB, dự luật mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản lần đầu là sĩ quan quân đội và sĩ quan công an. Dự thảo luật đã được QH xem xét qua hai kỳ họp và luôn được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp, đặc biệt với vấn đề rất mới như: xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Tuy nhiên, qua nhiều lần thảo luận, cả phương án đánh thuế thu nhập cá nhân hay xử phạt hành chính đều chưa nhận được sự đồng thuận cao. Vì vậy, UBTVQH đã xem xét thêm một phương án khác là xác lập quyền sở hữu của nhà nước với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án.
Bà Lê Thị Nga giải thích phương án 3 là tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Chặn tẩu tán tài sản cho người thân
Cho ý kiến dự thảo luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, ông Đinh Duy Vượt, đánh giá việc quá thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là chưa xoáy vào "tảng băng chìm", hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng và nhân dân sẽ vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình, phong trào diệt "giặc nội xâm".
ĐB Đinh Duy Vượt cho rằng thực tiễn hiện nay tại nhiều tỉnh, thành, người dân, cán bộ đều biết việc bố mẹ, ông bà của quan chức bỗng nhiên hoặc sau một thời gian ngắn sở hữu nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp, biệt phủ, xe sang... "Nhiều cậu ấm, cô chiêu, "thái tử", "phò mã" còn rất trẻ nhưng đã có dự án đất kim cương, đất vàng, biệt phủ, tài sản "khủng" thách thức dư luận" - ông Vượt băn khoăn.
Thực tế các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản do tham nhũng mà có được tẩu tán cho bố mẹ, người thân đứng tên, như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… Cán bộ, công chức thì phải kê khai, đây là điều kiện để bổ nhiệm các vị trí, chức danh. "Rất dễ chỉ ra những vị trí, chức danh, lĩnh vực nào có nguy cơ tham nhũng để tập trung kiểm soát, vì chỉ cán bộ có thực quyền mới tham nhũng được, mới có sân sau, "nuôi gà đẻ trứng vàng"" - ông Vượt hiến kế.
Tán đồng, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhìn nhận đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề mà nhiều cử tri, ĐB quan tâm và đây cũng là lỗ hổng trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. "Đối tượng kê khai tài sản lần đầu mà bỏ để lọt, rồi nói không biết tài sản của bố mẹ, con vị thành niên, anh chị mình… thì đây không phải là kẽ mà là cửa để chuyển tài sản tham nhũng. Như câu chuyện "hot girl" tuổi đời còn trẻ, gia đình nghèo, bỗng nhiên tài sản rất giàu mà chẳng thể làm được gì" - ông Mai Sỹ Diến dẫn chứng.
Trước ý kiến của các ĐBQH, đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết một số ĐBQH đề nghị mở rộng thêm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là: cha/mẹ, anh/chị/em ruột, con đã thành niên. Mục đích chính là chống chuyển dịch tài sản sang những đối tượng này nhưng thực tế thì không phải chỉ những đối tượng này mà còn những đối tượng khác. Vì vậy, ông Khái mong các ĐBQH ủng hộ phạm vi đối tượng kê khai như dự thảo luật.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để bảo đảm khả thi.
Tòa án quyết định
Về xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xem xét, quyết định tại tòa án. Tuy nhiên, vấn đề này cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cùng ủng hộ phương án tài sản không giải trình được thì thu hồi, để tòa xem xét quyết định sẽ bảo đảm minh bạch, công khai, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Bình luận (0)