Những năm gần đây, ĐBSCL hình thành thị trường mua bán rơm rạ. Cứ sau mùa thu hoạch lúa, thương lái khắp nơi lùng sục các khu vực trồng lúa để thu mua rơm rạ.
Giá trị tăng thêm từ cây lúa
Sau khi gặt xong lúa, nông dân ở miền Tây Nam Bộ đã thuê máy bó rơm thành cuộn để bán cho thương lái. Ngoài việc giúp nhà nông có thêm thu nhập, rơm rạ tham gia thị trường trở thành nguyên liệu làm nấm, nuôi trồng thủy sản, tạo độ ẩm cho cây ăn trái, rau màu mới xuống giống…
Gia đình ông Dương Văn Tám (60 tuổi; ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có hơn hecta đất trồng lúa. Sau khi trừ các khoản chi phí, tiền lãi bán lúa trên 20 triệu đồng/vụ. "Sau mỗi vụ lúa tôi kiếm được thêm gần 2 triệu đồng tiền bán rơm cho thương lái" - ông Tám khoe.
Khi thu hoạch lúa xong, thương lái sẽ tìm đến tận nhà nông dân đặt mua rơm. Sau khi đóng thành cuộn, rơm được vận chuyển về nơi tập kết để phân phối cho các địa phương trong vùng và các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, thậm chí ra các tỉnh Nam Trung Bộ, có diện tích trồng thanh long lớn.
Tại thủ phủ tôm Cà Mau, lão nông Nguyễn Văn Luận (ngụ huyện Cái Nước) cho hay sau nhiều năm canh tác, độ phù sa và chất dinh dưỡng trong đất giảm khiến tôm nuôi đạt năng suất thấp. Từ đây, ông cùng nhiều hộ dân ở địa phương nảy ra ý tưởng mua cuộn rơm về rồi cắm cây cố định trong vuông tôm để giảm độ phèn, cải thiện nguồn nước. Khi rơm phân hủy sẽ trở thành thức ăn cho tôm.
Theo nhiều lão nông có thâm niên với nghề nuôi tôm ở Cà Mau, cách làm trên đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Qua đó, giúp nhiều hộ nuôi tôm có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Cà Mau hiện có hơn 280.000 ha nuôi tôm, sản lượng tôm hằng năm đạt khoảng 180.000 tấn, chiếm 22% tổng sản lượng tôm toàn quốc. Với lợi thế trên, Cà Mau đã và đang khẳng định vị thế của vùng "thủ phủ" tôm của cả nước.
Ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết gia đình ông canh tác được gần 80 ha đất lúa tại địa phương. Trước đây, sau mỗi mùa thu hoạch, gia đình ông phải tốn nhiều chi phí để xử lý lượng rơm khổng lồ này như thuê người đến rải rơm đều khắp mặt ruộng để đốt bỏ. Những năm gần đây, ông Đức lập trang trại bò với quy mô gần 500 con để tận dụng hết số rơm mình có (gần 30.000 cuộn/vụ) làm thức ăn cho chúng, ngoài ra phải còn mua thêm.
Máy thu hoạch rơm thành cuộn
Máy thu hoạch rơm thành cuộn
"Rơm bây giờ quý như vàng"
"Rơm bây giờ quý như vàng vì nhiều thương lái phải giành giật nhau mua. Nông dân lấy tiền bán rơm có thể đủ bù chi phí xới đất cho vụ sau, khoảng 600.000 đồng/ha" - ông Đức khẳng định.
Không chỉ mang lại thu nhập cho nông dân từ bán rơm khô, những chủ máy cuộn rơm thuê, người làm công bốc vác hay các thương lái kinh doanh rơm cũng có công ăn việc làm, thu lợi nhuận không kém. Sau khi mua rơm trên ruộng, thương lái cuộn rơm thành bó, trọng lượng mỗi bó khoảng 13-15 kg chuyển về nơi tập kết. Số rơm này được bán tại vựa thu mua rơm với giá khoảng 20.000 đồng/cuộn cho người dân địa phương để ủ cây ăn trái, hoa màu hay làm thức ăn gia súc, còn lại đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác với giá khoảng 30.000 đồng/cuộn.
Có thâm niên trồng lúa hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Tạo (ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chuyển sang làm thương lái mua rơm khi thấy công việc này ăn nên làm ra. "Tôi mua rơm cũng mấy năm nay, chở đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh lân cận. Công việc này mang lại thu nhập khá cho tôi ngoài việc trồng lúa" - ông Tạo nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh này có tổng diện tích sản xuất lúa hằng năm trên 500.000 ha với nguồn rơm rạ sau thu hoạch dồi dào. Tuy nhiên, trong thực tế việc tận dụng nguồn phụ phẩm này còn hạn chế. Các ngành chuyên môn chỉ ra rằng nguồn rơm khô có thể tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ lại sản xuất. Nếu sử dụng hợp lý, nông dân có thể hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học trong những vụ tiếp theo. Điều này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà về lâu dài còn góp phần giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Bức tranh rơm do anh Đặng Vũ Linh tạo nên từ những cọng rơm tưởng chừng như bỏ đi Ảnh: TÂM MINH
Tranh bằng rơm sống động
Bên cạnh việc sử dụng làm phụ phẩm nông nghiệp, sợi rơm khô còn được tận dụng làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật. Những sản phẩm thủ công hay tranh nghệ thuật làm từ nguyên liệu rơm được anh Đặng Vũ Linh, một thầy giáo trẻ ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp sáng tạo nên rất được thị trường ưa chuộng.
"Cọng rơm thường có 3 màu chính. Màu trắng sẽ làm cho bức tranh sáng hơn, màu nâu tối ở những mảng tối và màu vàng là điểm nhấn cho bức tranh trở nên sinh động hơn. Để có nguyên liệu rơm phù hợp, khi tới mùa lúa, tôi phải ra đồng tự tay lựa chọn những cọng lúa đứng, cùng màu để cắt tỉa nguyên liệu làm tranh rơm" - anh Linh diễn giải.
Phần lớn những tác phẩm của anh Linh thường mang chủ đề phong cảnh quê hương, gần gũi với đời sống nông thôn vùng quê Nam Bộ như hình ảnh nhà sàn, đồng nước, cánh đồng lúa, đồng sen... Anh Linh cho hay để giữ độ bền cho sản phẩm, sau khi mang rơm về, anh xử lý chống mối mọt trước khi phơi khô, "hóa màu". Khi hoàn thành tác phẩm, anh tiếp tục phủ lớp sơn bóng vừa tạo thẩm mỹ cho tranh, vừa giữ được màu tự nhiên của rơm và chống mối mọt. Nhờ tính độc đáo, mới mẻ nên các tác phẩm của anh Đặng Vũ Linh được người yêu nghệ thuật gần xa đón nhận.
Giá bán mỗi bức tranh rơm của anh Linh từ 150.000 đồng đến 3 triệu đồng (tùy kích cỡ, chủ đề). Ngoài ra, anh Linh còn làm những chậu hoa để bàn được nhiều người ưa thích.
Bình luận (0)